Bế tắc chính trị, xung đột địa chính trị khiến Venezuela chìm trong khủng hoảng

Thứ Năm, 02/05/2019 12:56  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 2-5, Reuters đưa tin mặc dù thủ lĩnh đối lập Juan Guaido kêu gọi người dân biểu tình vào ngày 1-5 nhằm gây áp lực buộc tổng thống Maduro từ chức, nhưng rất ít những dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi cụ thể.

Ông Maduro vẫn tại vị trong khi bế tắc chính trị tại Venezuela vẫn chưa tìm được lối ra. Guaido thì kêu gọi xuống đường vì “một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Venezuela”. Trên Twitter, ông Guaido cho biết “hàng triệu người dân Venezuela” đã xuống đường trong cái gọi là “giai đoạn cuối cùng” để tống khứ Maduro.

Thế nhưng vào chiều cùng ngày (1-5), cuộc “đại biểu tình” mà Guaido kêu gọi, đạt lượng người tham dự không như mong muốn. Nhiều người biểu tình ở thủ đô Caracas đã trở về nhà. Lính Vệ binh quốc gia tiếp tục giải tán những nhóm người biểu tình còn sót lại.

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và đám đông người ủng hộ ở Caracas ngày 1-5 - Ảnh: Reuters

Những thông tin vũ lực tiếp tục lan tràn, chưa được kiểm chứng. Như việc các nhóm tổ chức biểu tình địa phương cho biết một cô gái trẻ đã chết trong cuộc phẫu thuật sau khi bị bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ở Caracas. Guaido viết trên Twitter xác nhận thông tin này.

Mâu thuẫn Nga – Mỹ

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela nhìn rộng ra là sự mâu thuẫn trường kỳ giữa Nga – Mỹ. “Hai ông lớn” đang tố nhau can thiệp vào công việc nội bộ của nước thành viên OPEC này.

Mặc dù Guaido kêu gọi quân đội đứng về phía ông tuy nhiên diễn biến những cuộc bạo động mấy ngày qua cho thấy hy vọng này còn quá xa vời. Ông và những người ủng hộ không chiếm được bất kỳ căn cứ quân sự nào, người biểu tình thì càng lúc càng thưa thớt dần.

Nói với hàng ngàn người ủng hộ ở Caracas, Guaido nhấn mạnh: “Nếu chế độ này nghĩ chúng ta đã đi đến giới hạn của áp lực, họ thậm chí còn không thể tưởng tượng ra. Chúng ta vẫn vững chân trên đường phố”.

Tuy nhiên cuộc đảo chính dịp Quốc tế Lao động vừa qua đã thất bại. Cộng đồng quốc tế dõi theo xem Guaido sẽ có thể làm gì hơn vào thời điểm này khi mặc dù ông thường tập hợp được đám đông khổng lồ trên đường phố, nhưng rồi vẫn đang thất bại trong việc “hất cẳng” Maduro.

Tổng thống Maduro (áo xanh) xuất hiện trên truyền hình ngày 30-4 sau loạt hành động mưu toan đảo chính của phe đối lập ngày 30-4 - Ảnh: Reuters

Những người biểu tình vì thế xác định họ đã chuẩn bị cho tiến trình khiến Maduro từ chức là một tiến trình dài lâu chứ không phải một sớm một chiều.

Nay quốc gia Nam Mỹ từng một thời phất lên từ dầu mỏ đang biến thành chiến trường của xung đột địa chính trị.

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng áp lực bằng những lệnh trừng phạt nhắm vào chính quyền Maduro, đồng thời nhiều lần bác bỏ khả năng không can thiệp quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong mấy ngày bất ổn vừa qua, tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” khi nhấn mạnh: “Hành động quân sự của Mỹ ở Venezuela là có thể xảy ra nếu điều đó là cần thiết. Mỹ sẽ làm”.

Đáp lại Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Mỹ rằng “bất kỳ bước đi xâm lược nào” nhắm vào Venezuela đều sẽ phải trả giá.

Màn đốp chát không dừng lại đó khi Mỹ tố Nga có hành động can thiệp. Theo lời Pompeo, đáng ra ông Maduro dự định rời khỏi nước rồi, để đào tẩu sang Cuba nhưng đã bị Nga ngăn lại. Điện Kremlin ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Người biểu tình chống chính phủ đụng độ với một xe quân sự trên đường phố Caracas - Ảnh: Reuters

Dân vẫn khổ

Reuters dẫn lời Carlos Alberto, 70 tuổi – một chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ, quấn cờ Venezuela tham gia cuộc biểu tình ở Caracas chia sẻ: “Chúng tôi mệt mỏi với chế độ này. Các con tôi và hầu hết thành viên của gia đình tôi đã chuẩn bị rời Venezuela. Chúng tôi biết rằng nếu điều đó không xảy ra hôm nay thì nó sẽ xảy ra vào ngày mai”.

Chuẩn sống của người dân Venezuela đã xuống mức cực thấp trong những tháng vừa qua với tình trạng mất điện, thiếu nước diễn ra thường xuyên đi kèm với tình trạng siêu lạm phát và thiếu nhu yếu phẩm lẫn thuốc men. Nhiều người tìm cách rời khỏi đất nước.

Theo số liệu của chính quyền Brazil, lượng người Venezuela tìm cách vượt biên qua nước này đã tăng gấp 3 lần vào ngày 30-4, ngày diễn ra mưu toan đảo chính của Guaido.

Người biểu tình hứng vòi rồng từ lực lượng an ninh - Ảnh: Reuters

Maduro gọi Guaido là một “con rối” của Mỹ, đang tìm cách đảo chính. Ông cũng kêu gọi một cuộc tuần hành lớn. Nói với đám đông ủng hộ trước phủ tổng thống, Maduro thừa nhận sự cần thiết “có những thay đổi lớn bên trong cuộc cách mạng Boliva”, nhưng không nói cụ thể đó là gì.

Phe phản đối Guaido cũng đông không kém. Reuters dẫn lời Mercedes Martinez – một nhà giáo dục cáo buộc âm mưu của Mỹ: “Đế quốc muốn vấy bẩn chúng tôi, cắt đầu chúng tôi và xâm chiếm chúng tôi. Người dân Venezuela chỉ là đang hành động để bảo vệ chính Venezuela”.

Các nước ủng hộ Maduro (đỏ) và Guaido (Xanh đương) - Ảnh: Global News

Thế bế tắc chính trị giằng co khi Mỹ không muốn mất đi “sân sau” của mình. Còn Nga, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD đầu tư vào Venezuela. Nga không muốn Mỹ tạo thêm tầm ảnh hưởng ở Mỹ Latin khiến họ mất đi một chế độ đồng minh là Maduro. Tranh giành ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị giữa các "ông lớn" là nguồn cơn cho khủng hoảng kinh tế, chính trị ở nước này. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang