(CAO) Theo CNN ngày 17-6 đưa tin, nhiều cảnh sát tại các thành phố của Mỹ đã xin nghỉ việc trước làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và phản đối lực lượng này ngày một lan rộng.
Trước đó, giới chức một số bang đã ký các sắc lệnh thay đổi cách thức hoạt động của các sở cảnh sát, đồng thời cam kết "cải cách" lực lượng này trong thời gian tới. Điều này được cho là khiến không ít người đang công tác trong lực lượng này tỏ ra bất mãn, và họ chọn cách ra đi như một phương thức phản đối.
Nhiều cảnh sát
Mỹ chọn cách rời bỏ lực lượng vì "bất mãn" - Ảnh: AP
Điển hình là tại thành phố Minneapolis, nơi xảy ra cái chết của George Floyd - một người đàn ông da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25-5, ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ. Họ nói cái chết của George Floyd là hệ quả của việc kì thị sắc tộc. Ít nhất 7 cảnh sát tại thành phố này đã nghỉ việc sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống lại họ.
Các đồng nghiệp đã lên án cựu sĩ quan Derek Chauvin, người được cho là có liên quan đến cái chết của George Floyd trong một lá thư được gửi vào tuần trước, trong thư có đoạn: "Derek Chauvin đã cư xử không đúng mực tước đoạt nhân phẩm cũng như mạng sống của George Floyd. Tuy nhiên, anh ấy không đại diện cho chúng tôi hay cảnh sát toàn nước Mỹ, đó là hành động và trách nhiệm của cá nhân anh ấy".
Sự việc chưa kịp lắng xuống thì một người da màu khác là Rayshard Brooks, bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Atlanta, bang Goergia, Mỹ. Ngay sau đó, cảnh sát trưởng thành phố từ chức, sĩ quan giết Brooks bị sa thải và một người khác có liên quan bị đình chỉ công tác. Điều này cũng được cho là nguyên nhân "gián tiếp" khiến ít nhất 8 cảnh sát thành phố này nộp đơn nghỉ việc.
Người biểu tình giơ biểu ngữ phản đối ở trung tâm thành phố Atlanta hôm 14-6 - Ảnh: New York Times
Trường hợp nghỉ việc hơn 10 cảnh sát cũng xảy ra tại nhiều thành phố ở Mỹ nhưng nhiều nhất là ở thành phố Buffalo, New York. Khi 57 sĩ quan xin rời khỏi nhóm phản ứng khẩn cấp nhằm thể hiện sự phản đối, khi hai đồng nghiệp của họ bị đình chỉ vì xô ngã một người biểu tình.
Đây rõ ràng càng đẩy tình hình nước Mỹ vào tình trạng rối ren, khi nước này vẫn đang đứng đầu trong danh sách là ổ dịch nCoV lớn nhất thế giới, với hơn 2,2 triệu trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 119.197 người tử vong. Việc biểu tình lan rộng càng khiến khả năng lây nhiễm tăng cao, trong khi sự bất mãn trong lực lượng cảnh sát hiện cũng ngày một lớn.