(CAO) Hôm 17-6, Reuters trong một bài viết đã nhận định rằng Tổng thống Hàn Quốc - Moon Jae-in đang phải đối mặt với khủng hoảng lớn nhất từ khi vào Nhà Xanh khi "canh bạc" hoà giải với Triều Tiên thông qua các hành động và chính sách trước nay đã đổ sụp sau vụ Bình Nhưỡng cho giật sập văn phòng liên lạc chung liên Triều và đảo ngược các thoả thuận đạt được trước đó.
Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định dù Bình Nhưỡng gia tăng hoạt động gây hấn, ông Moon vẫn có rất ít lựa chọn để đáp trả lại.
Quan hệ liên Triều hiện đang xuống mức thấp nhất từ khi ông Moon nhậm chức vào năm 2017 với chính sách theo đuổi là giảm thang đối đầu căng thẳng với Triều Tiên, đồng thời biến Hàn Quốc thành bên trung gian hoà giải với Mỹ, đồng thời thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Thế nhưng chính sách này bị chính đồng minh Mỹ khước từ khi Washington vẫn không có chỉ dấu nào cho thấy họ sẽ giảm áp lực lên Triều Tiên, điển hình là việc vẫn duy trì các lệnh trừng phạt áp lên Bình Nhưỡng.
Thế chính trị dù với những mĩ từ sau các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ - Triều (2 lần) rồi Hàn – Triều thì bản chất vẫn là sự nghi kỵ lẫn nhau. Triều Tiên vẫn duy trì hạt nhân như vũ khí răn đe để phòng trường hợp Mỹ tấn công quân sự, còn Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng vì sợ nếu nới lỏng sẽ khiến Triều Tiên có dòng tiền đổ vào rồi lấy tiền đó để bí mật phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình. Vòng luẩn quẩn đó khiến hơn 2 năm qua dù qua hết cuộc gặp này đến cuộc gặp khác, tiến triển trên thực địa vẫn không có đột phá nào.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - Ảnh: Reuters
Vì thế khi dịch Covid-19 xảy ra, Triều Tiên vẫn chịu bao vây cấm vận và thiếu dòng vốn để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế nội địa tham vọng, Bình Nhưỡng dần chuyển sang bất mãn. Thời gian gần đây họ liên tục chỉ trích kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều của tổng thống Moon là hoàn toàn “vô nghĩa”.
Sau khi Bình Nhưỡng cho giật sập văn phòng liên lạc chung hôm 16-6, ông Moon đề nghị gửi một phái đoàn từ Hàn Quốc sang gặp để giảm thang căng thẳng nhưng Bình Nhưỡng thẳng thừng từ chối. Việc từ chối như một “cú tát” vào thiện chí cũng như vào tổng thể chính sách của ông Moon là muốn hoà giải và cải thiện quan hệ.
Reuters dẫn lời Jenny Town – một chuyên gia về Triều Tiên tại trung tâm nghiên cứu chiến lược Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định: Giờ đây muốn đạt được tiến triển trong quan hệ với Triều Tiên, Hàn Quốc phải tìm được một cách tiếp cận (giải pháp) mới nằm trong khuôn khổ của các lệnh trừng phạt. Giải pháp này phải mang tính thiết thực mà không cần đến sự hợp tác quốc tế để đạt được.
Trước đó ông Moon đã đề xuất các dự án thiết thực như nối lại đường tàu hoả liên Triều, nối lại hoạt động của một khu công nghiệp chung và một khu vực du lịch chung. Nhưng những dự định này tiến triển rất ít trên thực địa khiến người dân cả hai miền thất vọng.
Ngay cả trong đảng cầm quyền của ông cũng đã nổi lên các tiếng nói chỉ trích về việc chính quyền Seoul không tìm ra được giải pháp khả thi để thúc đẩy các dự án trên tiến triển nhưng không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế áp lên Bình Nhưỡng.
Một số tiếng nói cũng cáo buộc Mỹ và một nhóm làm việc chung được thiết lập để điều phối chính sách về Triều Tiên là lực lượng cản trở chính cho các nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên của ông Moon.
Các nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều bị nhiều cản trở và ít tiến triển trên thực địa đã bùng nổ thành vụ giật sập văn phòng liên lạc chung hôm 16-6, hành động thể hiện sự bất mãn của Bình Nhưỡng.
Cảnh văn phòng liên lạc liên Triều bị phá huỷ - Ảnh: KCNA
Đây có thể được đánh giá là chiêu gây áp lực lên Hàn Quốc của Triều Tiên để Seoul thúc giục Mỹ nới các áp lực trừng phạt áp lên nước này. Hôm 15-5, một ngày trước vụ giật sập văn phòng, một số thành viên trong đảng cầm quyền của ông Moon đã lên tiếng thúc giục Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt cho phép các dự án hợp tác về khu công nghiệp chung và du lịch với Triều Tiên được hoạt động trở lại.
Giờ đây ông Moon đang đứng giữa hai gọng kìm Triều Tiên và Mỹ. Ông lại không thể từ bỏ chính sách chính trị được mình theo đuổi bấy lâu là hoà giải với Triều Tiên. Thế khó này khiến cho dù Bình Nhưỡng giờ đây đang “làm mình làm mẩy” ông cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ.
Việc gây áp lực của Triều Tiên bằng việc giật sập văn phòng khiến giới chức Hàn Quốc giờ đây lâm vào sự bối rối thậm chí là mất tinh thần vì văn phòng này mang tính biểu tượng, là trọng tâm của thoả thuận đạt được năm 2018 giữa 2 miền sau cuộc gặp thượng đỉnh.
Một quan chức cấp cao của Nhà Xanh đã thể hiện ra mặt sự bối rối đó khi nói với các phóng viên: “Chúng tôi vẫn đang thảo luận về vấn đề này. Tình hình hiện nay đang tiếp tục diễn tiến, chúng tôi chưa thể đưa ra các quyết định dựa trên những dự đoán về tương lai nhưng sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến tình hình”.