(CAO) Hôm 17-6, Reuters đưa tin chính quyền CHDCND Triều Tiên đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc gửi một đoàn phái viên đặc biệt đến nước này để giảm thang căng thẳng liên quan đến hoạt động của những người đào tẩu.
Bình Nhưỡng đồng thời cũng tuyên bố sẽ đình chỉ các nỗ lực hoà giải giữa hai miền đồng thời tái triển khai lực lượng binh sĩ đến các khu vực biên giới với Hàn Quốc.
Nội dung thông báo trên được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi, chỉ 1 ngày sau khi Triều Tiên cho cài chất nổ, giật sập văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thị trấn biên giới, công trình nằm trong thoả thuận hoà bình đạt được vào năm 2018 giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Hàn – Triều.
Động thái giật sập văn phòng được đánh giá là bước đi chặn đường đối thoại, phá vỡ các nỗ lực hoà giải của chính quyền tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành xuyên biên giới trong thời gian qua.
Triều Tiên cho nổ toà nhà liên lạc chung liên Triều - Ảnh: KCNA
Động thái của Triều Tiên cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực của tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện nay đang loay hoay đối phó với dịch coronavirus và phong trào biểu tình trong nước chống kỳ thị chủng tộc. Nay Bình Nhưỡng đặt Mỹ vào thế phải tiếp tục duy trì áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.
Trước những chỉ trích của Triều Tiên nhắm vào mình, Nhà Xanh – phủ tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh những chỉ trích này là thô lỗ và vô nghĩa, phá huỷ lòng tin được xây dựng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Phát ngôn viên Nhà xanh - Yoon Do-han nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không còn chịu đựng những hành vi vô lý như thế nữa”.
Lý giải cho những hành động gia tăng căng thẳng của Triều Tiên, Reuters dẫn lời Chun Yung-woo– một cựu phái viên đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc nhận định: “Trong mắt của chính quyền Triều Tiên, họ thất vọng vì chính quyền Hàn Quốc đã đặt ra quá nhiều hy vọng sai lầm rằng có thể tác động để giảm bớt áp lực của Mỹ áp lên Triều Tiên, thúc đẩy quan hệ hai bên tiến triển về phía trước”.
Toà nhà trước khị bị cài chất nổ phá huỷ ngày 16-6 - Ảnh: KCNA
Tuy nhiên thời gian qua Mỹ vẫn kiên quyết áp các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên, đồng thời đàm phán phi hạt nhân hoá vẫn lâm vào bế tắc dẫn đến sự bất mãn.