(CAO) Hôm 2-7, Reuters dẫn thông tin đăng trên các báo, đài của Triều Tiên cho thấy truyền thông nước này ca ngợi cuộc gặp đột xuất giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 30-6.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận thúc đẩy các cuộc đối thoại được nối lại sắp tới về vấn đề hạt nhân.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “Các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã đồng thuận giữ mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai cũng như nối lại và đẩy mạnh tiến độ các cuộc đối thoại tích cực, tạo ra một bước đột phá mới cho vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nước”.
Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-7 viết trên Twitter, ca ngợi rằng ông đã có một cuộc gặp “tuyệt vời” với ông Kim và trông đợi sớm gặp lại ông Kim một lần nữa.
Bàn về đàm phán phi hạt nhân hoá, Trump viết: “Không có gì phải vội vàng. Tôi chắc rằng cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ đến được đó”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng các cuộc đàm phán nối lại với Triều Tiên sẽ diễn ra đâu đó vào khoảng tháng 7, chừng 2 đến 3 tuần nữa.
Kim - Trump bắt tay nhau ở DMZ hôm 30-6 - Ảnh: KCNA
KCNA đưa tin trong suốt cuộc gặp với ông Trump, ông Kim đã thảo luận về cách thức giảm thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, các mối quan tâm nảy sinh trong quan hệ 2 bên trên cơ sở “thấu hiểu và cảm thông”.
Cũng theo KCNA, ông Kim nhấn mạnh mối quan hệ các nhân tốt đẹp với Trump, cho rằng nó sẽ tiếp tục giúp đạt được các kết quả tốt trong thời gian tới.
Hãng thông tấn này nhận định các quyết định quan trọng và can đảm của 2 nhà lãnh đạo đã dẫn đến việc tổ chức được một cuộc gặp lịch sử, và rằng nhờ cuộc gặp đột xuất này đã giúp “tạo nên sự tin tưởng chưa từng có giữa hai quốc gia”.
Tuy nhiên dù được truyền thông ca ngợi, nhưng các vấn đề vẫn còn tồn đọng ở phía trước.
Reuters dẫn lời Kim Hyun-wook– một giáo sư đến từ Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Sự thật là các cuộc đàm phán hạt nhân được nối lại là điều đáng khích lệ, nhưng nó không đồng nghĩa với việc hai bên sẵn sàng điều chỉnh lại các quan điểm trong đàm phán của mình và thiết đặt các điều kiện cho những cuộc đàm phán các cấp được thành công”.
Hơn 1 năm đàm phán, cả 2 tuy đồng thuận về mục tiêu phi hạt nhân hoá nhưng Triều Tiên kèm theo điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ “chiếc ô hạt nhân” bảo hộ ở Nhật và Hàn Quốc trong khi Washimgton đề nghị Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.
Việc giữ vững lập trường không ai nhường ai khiến các cuộc đàm phán hạt nhân rồi 2 cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và Việt Nam vẫn không “cứu” được tình trạng bế tắc sau đó.