(CAO) Thông tin ông Phạm Phú Quốc – Đại biểu Quốc hội Việt Nam có tên trong danh sách loạt bài điều tra của đài Al Jazeera (Qatar) về những người có quốc tịch đảo Síp đang gây xôn xao dư luận.
Hiện Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM đã yêu cầu ông Quốc giải trình về vụ việc này.
Al Jazeera cho biết từ khi họ đăng loạt bài điều tra “Hồ sơ đảo Síp” tuần qua về cách thức quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) này cấp hộ chiếu cho giới siêu giàu, EU mới đây tuyên bố sẽ có hành động pháp lý đối với chương trình này.
Theo đó Uỷ viên tư pháp của Uỷ ban Châu Âu (EC) - Didier Reynders tuyên bố đang tìm kiếm khả năng tiến hành các hành động pháp lý chống lại chương trình này, vốn dĩ là hình thức đầu tư tiền vào hòn đảo để có được quốc tịch Síp.
Ông Reynders nhấn mạnh cần sự thay đổi về chính sách trên khắp Châu Âu, và tốt hơn hết là loại bỏ các chương trình đổ tiền để có quốc tịch kiểu này vì nguy cơ bị lạm dụng từ những phần tử hoạt động phi pháp muốn có một “thiên đường” trú ẩn nếu bị truy tố ở nước khác.
Chương trình cấp “hộ chiếu vàng” của đảo Síp được đài Al Jazeera khui ra cho thấy nước này đã cấp hộ chiếu cho nhiều người là tội phạm, những kẻ đào tẩu và những người được cho là có nguy cơ tham nhũng cao.
Chương trình cấp "hộ chiếu vàng" của đảo Síp đang gây chấn động dư luận - Ảnh: Al Jazeera
Tài liệu của Al Jazeera cho thấy đảo Síp thời gian gần đây đã tiếp nhận gần 1500 đơn xin cấp hộ chiếu với hơn 2400 cái tên. Trong đó chính quyền nước này đã không tiến hành thẩm tra kỹ càng đối với hàng chục trường hợp, tạo lỗ hổng cho phép tội phạm và những người đang bị trừng phạt quốc tế mua quốc tịch của nước thành viên EU. Với hộ chiếu của Síp, họ có thể di chuyển, làm việc và đầu tư thoải mái trong khối EU bất chấp đã phạm tội hay đang bị truy nã ở quê nhà.
Ông Reynders nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của hệ thống tư pháp ở Síp là phải phân tích tình hình và nếu có thể thì nhà chức trách Síp cần thu hồi quốc tịch."
Reynders cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU trong việc tăng cường chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các chính quyền trong khối. "Chúng tôi muốn có thông tin rõ ràng về những người được trao quốc tịch với sự trao đổi thông tin rõ với Europol và các tổ chức khác ở cấp độ châu Âu” – ông nói.
Từ khi “hồ sơ đảo Síp” lên sóng, chính quyền nước này đã đáp trả gay gắt đài Al Jazeera, gọi việc đưa tin này là hành động "tuyên truyền, không phải là báo chí".
"Tất cả những người được đề cập, những người mà chúng tôi sẽ tránh nêu tên vì những lý do rõ ràng, tại thời điểm nộp đơn của họ, đều đáp ứng các tiêu chí và là người chưa từng có tiền án tiền sự tại quốc gia xuất xứ và quốc gia cư trú của họ" - Bộ trưởng Nội vụ Síp Nicos Nouris cho biết trong một cuộc họp báo.
Vị quan chức này chỉ trích: "Những gì đang được tìm thấy là một nỗ lực cố ý của Al Jazeera nhằm làm sai lệch dữ liệu và thông tin", Nouris nói thêm, mà không cung cấp bằng chứng về tuyên bố của mình.
Nouris cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành về nguồn gốc của các tài liệu rò rỉ mà Al Jazeera thu được.
(CAO) Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc ông Phạm Phú Quốc (SN 1969, quê quán Quảng Trị), Đại biểu Quốc hội khóa XIV có quốc tịch thứ 2 của Cyprus (Cộng hòa Síp). Theo các trang mạng, người nào muốn có quốc tịch Cyprus, phải bỏ ra hàng triệu USD.