(CAO) Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc ông Phạm Phú Quốc (SN 1969, quê quán Quảng Trị), Đại biểu Quốc hội khóa XIV có quốc tịch thứ 2 của Cyprus (Cộng hòa Síp). Theo các trang mạng, người nào muốn có quốc tịch Cyprus, phải bỏ ra hàng triệu USD.
Theo đó, mới đây hãng tin Al Jazeera của Qatar đã đăng các bài viết về chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp), nêu ra nhiều cá nhân ở các nước sở hữu quốc tịch Cyprus. Điều đáng nói, theo loạt bài này, những ai muốn có quốc tịch Cyprus phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD).
ĐBQH Phạm Phú Quốc trong phiên họp Quốc hội. Ảnh quochoi.vn
Cũng theo Al Jazeera, trong số cá nhân các nước có hộ chiếu Cyprus, có ông Phạm Phú Quốc. Thông tin này lập tức tràn đầy trên các trang mạng của Việt Nam, gây xôn xao, bởi ông Phạm Phú Quốc là Đại biểu Quốc hội đương nhiệm (hiện là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Trước khi chuyển công tác về IPC, ông Quốc là Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM.
Trả lời trên Báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận mình có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018; quốc tịch này do gia đình ông bảo lãnh, ông Quốc phủ nhận thông tin về việc mua quốc tịch thứ hai.
Cũng theo ông Quốc, thời điểm ứng cử ĐBQH (tháng 5-2016), ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018 ông đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (khi đang là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM.
Khi biết ông làm đơn xin thôi nhiệm vụ, giữa năm 2018 gia đình ông Quốc (vợ và con, đã có quốc tịch Cyprus trước đó) đã đề nghị thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus cho ông Quốc... ĐBQH này cũng cho biết, hiện đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trước thông tin về vụ việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội cho biết đã giao Vụ Công tác Đại biểu kiểm tra thông tin. Cũng theo ông Túy, trong nhiệm kỳ của mình, nếu ĐBQH có thay đổi về lý lịch thì phải báo cáo.
Theo Al Jazeera, từ 2017 đến 2019 đã có khoảng 2.500 hộ chiếu dạng này được Cyprus cấp. Những người sở hữu hộ chiếu đến từ 70 quốc gia: Nga, Trung Quốc, Ukraine, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út.... Những người có quốc tịch Cyprus sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa....