Các giáo viên tức giận cho biết họ phải đối mặt với những yêu cầu quá khắc nghiệt và thậm chí là sự quấy rối từ các bậc phụ huynh bất mãn, đồng thời kêu gọi cải cách pháp luật và các biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn.
Theo Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc, có tới 200.000 người đã tham gia cuộc biểu tình vào ngày 2-9. Và vào ngày 4-9, ước tính có khoảng 50.000 giáo viên đã ngừng làm việc và tập trung tại thủ đô để tưởng nhớ người giáo viên đã qua đời, bất chấp những cảnh báo ban đầu của chính quyền rằng đình công sẽ bị coi là “bất hợp pháp”.
Giáo viên này là chủ nhiệm lớp một tại trường tiểu học Seoi ở Seoul, đã qua đời trong khuôn viên trường vào ngày 18-7, theo thông báo hồi tháng 8 từ Bộ Giáo dục nước này và Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul, nơi tiến hành điều tra về cái chết.
Hai ngày sau khi cô qua đời, giám đốc văn phòng giáo dục thủ đô, Cho Hee-yeon, cho biết giáo viên này đã tự tử.
Ông Cho cho biết cảnh sát vẫn đang điều tra, nhưng thừa nhận “thực tế là các hoạt động giáo dục hợp pháp của giáo viên không được bảo vệ” và kêu gọi “các biện pháp đặc biệt” để cung cấp cho giáo viên nhiều sự bảo vệ về mặt pháp lý và thể chế hơn.
Sau khi mở một cuộc điều tra, các cơ quan giáo dục đã giải quyết một số tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, bao gồm cả những tuyên bố rằng tranh chấp giữa hai học sinh là nguyên nhân dẫn đến cái chết của giáo viên.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho biết vào tháng 8, phụ huynh của cả hai học sinh liên quan đã tham dự một cuộc họp với giáo viên này, khi nhà chức trách công bố phát hiện của họ. Ông cho biết, giáo viên này đã nhận được “nhiều cuộc điện thoại” từ một phụ huynh và cảm thấy “không thoải mái và lo lắng về việc làm thế nào phụ huynh đó biết được số điện thoại di động cá nhân của cô”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nói thêm, vẫn chưa rõ liệu giáo viên này có phải đối mặt với bất kỳ “bạo lực bằng lời nói” nào từ phụ huynh hay không.
Những giáo viên đình công hôm 5-9 ở Hàn Quốc
“Dựa trên nhật ký của giáo viên và kết quả phỏng vấn đồng nghiệp, (điều tra) phát hiện ra rằng giáo viên này phụ trách một học sinh có vấn đề và gặp khó khăn trong việc điều hành lớp học, giáo viên phải làm rất nhiều việc vì mới bắt đầu năm học”.
Nhà chức trách không cung cấp thêm thông tin chi tiết, bao gồm nguyên nhân cái chết của giáo viên.
Cái chết này là điểm bùng phát đối với nhiều giáo viên và nhân viên giáo dục trên khắp Hàn Quốc, những người từ lâu đã phàn nàn về việc cảm thấy không thể kỷ luật học sinh của mình vì sợ bị trừng phạt. Một số báo cáo gần đây về các vụ giáo viên tự tử đã làm tăng thêm sự giận dữ, với các cuộc biểu tình kéo dài vài tuần trước cuộc đình công hôm 5-9.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy 100 giáo viên trường công ở Hàn Quốc – chủ yếu là giáo viên tiểu học – đã tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023.
Dữ liệu không nêu rõ yếu tố nào dẫn đến cái chết của họ và không rõ có bao nhiêu vụ tự tử trong số đó có liên quan đến công việc của các cá nhân. Nhưng nhiều người trong cộng đồng giáo dục đã đổ lỗi cho luật chống lạm dụng trẻ em gây tranh cãi được ban hành vào năm 2014.
Theo luật, bất kỳ ai nghi ngờ một trường hợp lạm dụng trẻ em đều có thể báo cáo với chính quyền mà không cần cung cấp bằng chứng. Sau đó, các nhà chức trách có thể điều tra khiếu nại, bao gồm cả việc đến thăm địa điểm bị cáo buộc lạm dụng - trong trường hợp này là các trường học - và thẩm vấn các bên liên quan.
Các giáo viên nói rằng họ có thể bị nhắm tới một cách không công bằng bởi các bậc phụ huynh cảm thấy con mình bị coi thường – đôi khi gây nguy hiểm cho công việc của họ.
Trong một cuộc khảo sát của Liên đoàn Giáo viên và Nhân viên Giáo dục Hàn Quốc, hơn 60% trong số 6.243 người được hỏi cho biết cá nhân họ đã bị tố cáo về hành vi lạm dụng trẻ em hoặc biết một giáo viên khác cũng từng bị báo cáo.
Một phụ nữ tham gia cuộc đình công hôm 5-9 cho biết: “Đạo luật ngăn chặn lạm dụng trẻ em hiện hành hạn chế việc giảng dạy và hướng dẫn của giáo viên trong lớp”.
“Tất nhiên, đa số giáo viên và phụ huynh đều tốt, nhưng một số phụ huynh lạm dụng luật này và kiện giáo viên lạm dụng trẻ em”, một giáo viên tiểu học nói với CNN.
Một phụ nữ khác có mặt tại cuộc đình công, cũng từ chối nêu tên, cho biết cô đã dạy học được 10 năm.
Cô nói với CNN: “Có rất nhiều khó khăn trong việc dạy trẻ trong lớp vì giáo viên không được trao quyền. Mặc dù Đạo luật Phòng chống Lạm dụng Trẻ em được ban hành với mục đích tốt là bảo vệ trẻ em nhưng nó lại phải tuân theo những tiêu chuẩn rất mơ hồ”.
Các giáo viên tưởng niệm cái chết của đồng nghiệp
Cô nói thêm rằng nhiều giáo viên đang bị căng thẳng nặng nề vì sợ bị phụ huynh giận dữ, thậm chí khi họ chỉ đưa ra những lời khiển trách nhỏ đối với học sinh hoặc các hình thức kỷ luật khác trong lớp học.
Nhà chức trách đã cố gắng xoa dịu giáo viên bằng cách ghi nhận những khiếu nại của họ.
Ông Cho, giám đốc văn phòng giáo dục Seoul, kêu gọi các giáo viên đừng biến thứ hai thành “ngày hỗn loạn”. Trong một tuyên bố trực tuyến, ông đề xuất thành lập một cơ quan tư vấn có thể “tìm ra sự thật đằng sau cái chết của giáo viên tại trường tiểu học Seoi” và bảo vệ quyền được học tập của học sinh, đồng thời “cùng nhau tìm cách tưởng nhớ người giáo viên không may đã qua đời”.
Bộ trưởng Giáo dục Lee Joo-ho tuần trước cảnh báo rằng cuộc đình công theo kế hoạch là một “hành động tập thể bất hợp pháp” xâm phạm quyền học tập của học sinh. Nhưng ông đã “hạ giọng” trong một tuyên bố riêng vào ngày 4-9, nói rằng mình đã lắng nghe “những tiếng kêu cứu của giáo viên” và rằng bản thân sẽ không quy trách nhiệm cho bất kỳ người tham gia nào trong cuộc đình công hôm 5-9.