(CAO) Hôm 13-12, Reuters đưa tin chính quyền Iran đã thi hành án tử đối với nhà báo bất đồng chính kiến với chính quyền nước này – ông Ruhollah Zam, người bị kết tội kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2017.
Pháp đã phản ứng giận dữ với việc Iran treo cổ nhà báo này. Paris gọi đây là hành động "man rợ và không thể chấp nhận được" và cho rằng bản án đã đi ngược lại các nghĩa vụ quốc tế của Iran.
Tòa án Tối cao Iran trước đó đã giữ nguyên bản án tử hình đối với Zam, người bị bắt vào năm 2019 sau nhiều năm sống lưu vong ở Pháp.
Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết Zam là "giám đốc của hệ thống tin tức Amadnews phản cách mạng, đã bị treo cổ sáng nay".
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố: “Pháp lên án bằng những phản ứng mạnh mẽ nhất có thể về hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Iran. Đây là một hành động man rợ và không thể chấp nhận được, đi ngược lại các cam kết quốc tế của nước này”.
Là con trai của một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite ủng hộ cải cách, Zam chạy trốn khỏi Iran và được tị nạn tại Pháp.
Vào tháng 10 năm 2019, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết cho biết đã bắt được ông nhưng không cho biết hoạt động bắt giữ diễn ra ở đâu.
Ông Ruhollah Zam - Ảnh: Reuters
Nour News, một hãng tin thân cận với Lực lượng Vệ binh Cách mạng, cho biết tuần trước rằng Zam đã bị các đặc vụ của Lực lượng này bắt giữ sau khi ông đến Iraq vào tháng 9 năm 2019 và bị đưa đến Iran.
Các quan chức Iran đã cáo buộc Mỹ cũng như đối thủ khu vực là Ả Rập Saudi đã cấu kết cùng những thành phần chống chính quyền sống lưu vong để gây ra tình trạng bất ổn bắt đầu vào cuối năm 2017 khi các cuộc biểu tình về khó khăn kinh tế ở nước này lan rộng trên toàn quốc.
Các quan chức cho biết 21 người đã thiệt mạng trong các đợt biểu tình này và hàng nghìn người bị bắt và sau đó là các cuộc biểu tình thậm chí còn tồi tệ hơn vào năm ngoái nhằm chống lại việc tăng giá nhiên liệu.
Hệ thống tin tức Amadnews đã bị dịch vụ nhắn tin Telegram đình chỉ vào năm 2018 vì bị cáo buộc kích động bạo lực, nhưng sau đó đã xuất hiện trở lại dưới một cái tên khác.