Trung Quốc ồ ạt xây nhà máy điện than ở nước ngoài, gây lo ngại môi trường

Thứ Năm, 10/12/2020 14:38

|

(CAO) Hôm 10-12, AFP đưa tin các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch của Trung Quốc trong việc tài trợ cho việc xây hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở nước ngoài từ Zimbabwe đến Indonesia, gây lo ngại về môi trường. 

Điều này được cho sẽ tạo ra nhiều khí thải nhà kính hơn đe dọa nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết vào năm 2015, Trung Quốc đã xác định mình là nước đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các công ty nhà nước Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào điện than ở nước ngoài, vốn không được tính trong các tính toán giảm thiểu lượng khí thải carbon trong nước, điều này sẽ gây rủi ro cho mục tiêu của hiệp định Paris là giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C. 

C.Christine Shearer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về than tại Global Energy Monitor, cho biết: “Các nhà máy mới có khả năng sẽ hoạt động trong nhiều năm sau năm 2030 về cơ bản không tương thích với các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu”.

Dữ liệu từ Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ) cho thấy, các nhà máy điện đốt cháy carbon mới đang được xây dựng sẽ sản xuất 19 gigawatt điện và thải ra 115 triệu tấn khí thải mỗi năm.

Trung Quốc ồ ạt xây các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở nước ngoài - Ảnh: AFP

Theo số liệu trong đánh giá hằng năm của British Petroleum về năng lượng toàn cầu, Trung Quốc có số lượng đường ống dẫn năng lượng ra nước ngoài nhiều hơn gần ba lần, có nghĩa là các nhà máy ở nước ngoài của họ sẽ thải ra nhiều hơn lượng khí thải hiện tại so với các nền kinh tế lớn như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý.

Mỗi nhà máy trong số hàng chục nhà máy dự kiến ​​sẽ có tuổi thọ hàng chục năm. Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch có trụ sở tại Helsinki, nếu hoàn thành và vận hành trong 30 năm, các nhà máy này sẽ thải ra lượng khí thải tương đương gần 3 năm từ tất cả các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc.

Trung Quốc đang phát triển các nhà máy điện than ở nước ngoài đóng vai trò như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của mình, một kế hoạch tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và gia tăng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ở hải ngoại.

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã hứa sẽ "theo đuổi hợp tác cởi mở, xanh và sạch" trong kế hoạch Vành đai và Con đường, tuy nhiên các ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án điện than.

Từ năm 2000 đến 2018, 23,1% trong số 251 tỷ USD mà hai ngân hàng chính sách lớn nhất của Trung Quốc đầu tư vào các dự án năng lượng ở nước ngoài đã được chi cho các dự án điện than, theo cơ sở dữ liệu của Đại học Boston về tài trợ năng lượng toàn cầu của Trung Quốc.

Các nhà máy nước ngoài mà các công ty Trung Quốc đang xây dựng bao gồm nhà máy điện Sengwa trị giá 3 tỷ USD ở Zimbabwe - một trong những nhà máy lớn nhất ở châu Phi. Ngoài ra còn có ít nhất tám dự án ở Pakistan, bao gồm một nhà máy trị giá 2 tỷ USD ở Balochistan.

Các dự án mới đều nằm ở các quốc gia đã ký kết tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, đưa những nước này vào một tương lai tiêu thụ năng lượng từ than.

Li Shuo từ tổ chức Hoà bình xanh (Greenpeace) Trung Quốc cho biết: “Dòng tiền mặt đầu tư vào than đá đang cản trở nỗ lực của các quốc gia đang phát triển để chuyển sang các giải pháp năng lượng thay thế sạch hơn và điều đó có nguy cơ làm chệch hướng hiệp định Paris”.

Khai thác năng lượng chạy bằng than ở Trung Quốc làm dấy lên những quan ngại về môi trường - Ảnh: AFP

Trung Quốc hiện có trữ lượng than chưa khai thác khoảng 96 tỷ tấn - lớn thứ tư trên Thế giới. Lượng thặng dư này đã đẩy các công ty điện lực của Trung Quốc trở thành nhà đầu tư chính vào các quốc gia đói năng lượng ở Nam và Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết: “Đó là một cách để cung cấp thị trường cho các công ty và dịch vụ mà bản thân đất nước ngày càng không cần đến”.

Tuy nhiên có một số hy vọng le lói. Bộ môi trường Trung Quốc tháng trước đã ủy quyền cho việc xây dựng một báo cáo đánh giá tác động môi trường của kế hoạch Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong đó đề xuất phân loại mã màu cho các dự án của Bắc Kinh ở nước ngoài. Nếu được thực hiện, nó sẽ đòi hỏi các điều kiện tài chính nghiêm ngặt hơn đối với các nhà máy điện than, vốn sẽ được gắn mã màu đỏ trong hệ thống để báo hiệu khả năng hủy hoại môi trường không thể phục hồi.

Một số quốc gia nhận sự đầu tư lớn của Trung Quốc vào các nhà máy điện than cũng đã chuyển sang đóng cửa các dự án này trong những năm gần đây.

Những chiếc xe chở than được khai thác từ mỏ - Ảnh: AFP

Kenya, Ai Cập và Bangladesh đều đã từ chối hoặc công bố kế hoạch hủy bỏ các nhà máy điện than mới do lo ngại về môi trường hoặc kinh tế.

Myllyvirta cho biết khi ngày càng nhiều quốc gia công bố kế hoạch loại bỏ khí thải carbon, chỉ một phần tư số các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than được lên lịch xây dựng của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang