(CAO) Hôm 21-7, Reuters đưa tin dòng nước mỗi năm đổ từ dòng chính của sông Mekong về hồ Tonle Sap - Biển Hồ (Campuchia), hồ điều tiết nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, năm thứ hai liên tiếp đã cạn dòng khiến cuộc sống của ngư dân dựa vào nguồn thuỷ sản trong hồ điêu đứng.
Theo các chuyên gia thuỷ văn cho biết, nước chảy cuồn cuộn từ sông Mekong vào lòng hồ sẽ không diễn ra vào thời điểm hiện tại, cho đến tận tháng sau mặc dù theo diễn biến tự nhiên, vào thời điểm này hằng năm điều đó phải xảy ra vì vào mùa lũ trên dòng sông này.
Các chuyên gia cho biết sở dĩ có hiện tượng này vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở lưu vực sông Mekong và hơn chục dự án thuỷ điện chắn dòng ở Trung Quốc và Lào khiến lưu lượng dòng chảy của Mekong giảm sút khiến lực nước không đủ đẩy để dòng Mekong chảy ngược về hồ Tonle Sap.
Reuters dẫn lời Khon Kheak, một cư dân sống ở khu vực hồ cho biết: “Tôi cất lưới đánh cá đã hai đêm nhưng lượng cá bắt được không đủ”. Lượng cá sau mỗi lần đánh bắt của Khon nay chỉ giúp ông kiếm được 3 USD so với mức 12 đến 25 USD/ngày vào năm ngoái. Trong khi Khon phải lo cho cuộc sống của gia đình có đến 6 miệng ăn.
Làng nổi Kampong Khleang trong khu vực hồ Tonle Sap cạn trơ nước. Đời sống ngư dân khó khăn - Ảnh: Reuters
Không có nước dẫn đến không có cá, nhiều ngư dân lâm cảnh khốn cùng. Ngư dân San Savuth, 25 tuổi nói với Reuters rằng muốn chính quyền Campuchia đàm phán để các nước thượng nguồn xả nước từ các con đập trên dòng Mekong cho lòng hồ có cá.
Khốn cùng, Savuth cho biết có thể nay mai mình sẽ đến thành phố Siem Reap, cách hồ 55km để kiếm công việc mưu sinh trong ngành xây dựng.
Không có cá, cư dân lòng hồ cũng không thể dựa vào nguồn thu từ du lịch do dịch Covid-19 khiến các đường biên bị đóng, không có khách quốc tế đến đây để đi thuyền tham quan trên hồ.