(CAO) Hôm 17-4, Reuters đưa tin những hình ảnh vệ tinh từ tuần trước cho thấy Triều Tiên đã cho nối lại hoạt động tại bãi thử hạt nhân chính của nước này – bãi thử Yongbyon.
Các hoạt động được ghi nhận cho thấy quá trình tái xử lý chất phóng xạ. Bất kỳ hoạt động nào ở đây đều cho thấy sự thất bại của thượng đỉnh Mỹ - Triều bàn về việc hướng đến phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
Theo đó, Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu Quốc tế trong một báo cáo dẫn hình ảnh vệ tinh chụp ngày 12-4 cho thấy 5 đường ray chuyên dụng được thiết đặt gần cơ sở làm giàu uranium và phòng thí nghiệm hoá học của vật liệu phóng xạ tại cơ sở này.
Nó đưa ra chỉ dấu về việc vận chuyển chất phóng xạ. Báo cáo nhấn mạnh: “Trước đây, những chiếc xe chuyên dụng này dường như có liên quan đến quá trình vận chuyển các chất phóng xạ hoặc các chiến dịch tái xử lý chúng. Trong các hoạt động hiện tại, không loại trừ sự tham gia có thể của chúng vào hoạt động này, trước hoặc sau một chiến dịch tái xử lý chất phóng xạ”.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 12-4 cho thấy đường ray xe chuyên dụng có thể liên quan đến hoạt động vận chuyển chất phóng xạ - Ảnh: CSIS
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bình luận về báo cáo này. Trong khi đó, Reuters dẫn lời Jenny Town – một chuyên gia về Triều Tiên tại trung tâm nghiên cứu chiến lược Stimson nhận định: “Vì không có thoả thuận nào giữa Mỹ và Triều Tiên về cơ sở hạt nhân Yongbyon, đây có lẽ là thời điểm hợp lý nếu họ (Triều Tiên) muốn cho thấy hành động đáp trả nhanh chóng của họ sau hội nghị thượng đỉnh lần 2”.
Dù ông Kim Jong Un đã ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa từ năm 2017 nhưng các quan chức Mỹ cho biết Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục sản xuất các vật liệu hạt nhân có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử.
Tuần trước, ông Kim nhấn mạnh việc hội nghị thượng đỉnh lần 2 đổ vỡ đẩy Mỹ - Triều vào nguy cơ gia tăng căng thẳng trở lại. Ông cho biết chỉ muốn gặp lại ông Trump nếu phái đoàn Mỹ đến bàn thảo với một thái độ đúng đắn.
Các chuyên gia hiện nay dự đoán Triều Tiên đang sở hữu 20 đến 60 đầu đạn hạt nhân.