(CAO) Hôm 4-7, New York Times đưa tin mưa bất thường trên diện rộng ở các tỉnh miền trung và nam Trung Quốc đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, ảnh hưởng đến 15 triệu cư dân. Mưa lớn khiến mực nước các sông lên nhanh gây áp lực cho các đập thuỷ điện phải xả lũ, trong đó có đập Tam Hiệp.
Tại thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc những dòng lũ đục ngầu cao tới thắt lưng chảy cuồn cuộn trên đường phố khiến nhiều người mắc kẹt trong ô tô và biến thành phố thành các dòng kênh. Các khu vực gần thành phố Trùng Khánh, dòng lũ hung hãn cuốn trôi mọi thứ trên đường.
Đến nay mưa lũ đã khiến hơn 106 người chết hoặc mất tích, ảnh hưởng đến nhiều khu vực, được người dân cho biết là trận lũ lụt tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là Hồ Bắc với thủ phủ Vũ Hán từng là tâm dịch Covid-19 trên toàn cầu. Cuối tháng trước lực lượng cứu hộ phải đập vỡ cửa kính ô tô để giải cứu các hành khách trong một chiếc ô tô mắc kẹt giữa dòng lũ tại thành phố Nghi Xương.
Người dân được sơ tán khỏi khu vực ngập do lũ lụt ở Trùng Khánh - Ảnh: Getty
Hồ Bắc vừa trải qua trận dịch Covid-19 tàn khốc với số ca nhiễm từng đạt mốc cao nhất toàn quốc. Người dân cho biết khi dịch chưa qua hết, lũ lụt đã tạo ra cú bồi khiến cuộc sống của họ lâm cảnh khốn cùng.
Tờ Nhân dân nhật báo nhận định: Dịch bệnh kết hợp với những cơn mưa cực đoan đã khiến cho năm nay lũ trên diện rộng, tạo ra một nhiệm vụ khó khăn. Bài báo kêu gọi giới chức địa phương đẩy mạnh ứng phó với lũ lụt.
Sau 31 ngày liên tiếp phát cảnh báo về việc mưa xối xả trên diện rộng, loại hình thời tiết khắc nghiệt này chưa cho thấy có dấu hiệu giảm bớt. Vào ngày 3-7, Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo một đợt mưa lớn khác sẽ xảy ra ở khu vực tây nam bắt đầu vào ngày 4-7. Các chuyên gia đang cảnh báo về các vụ lở đất và nguy cơ vỡ các công trình như hồ chứa và đập.
Ở Trung Quốc, hầu hết các hồ chứa nhỏ được xây dựng vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, không tuân theo các tiêu chuẩn xây dựng cao, Brandon Meng - một kỹ sư thủy lực ở thành phố Thâm Quyến cho biết. Một khi có thời tiết khắc nghiệt, ông nói, các hồ chứa này rất dễ gặp nguy hiểm.
Một khu vực ở tỉnh Quảng Tây chìm trong biển lũ - Ảnh: AP
Tại huyện Dương Sóc, tỉnh Quảng Tây - một địa điểm du lịch nổi tiếng được biết đến với khung cảnh núi non tuyệt đẹp, một quan chức nói với tờ Tuần tin tức phương Nam rằng khu vực này đã trải qua một trận mưa lớn kéo dài nhất trong vòng 2 thế kỷ trở lại đây vào ngày 7-6. Hơn 1.000 khách sạn và nhà nghỉ cùng 5.000 cửa hàng bị hư hại.
Qin Hui – một du khách đi nghỉ ở đây thì mưa bắt đầu rơi vào tháng trước. Họ đang ăn sáng vào sáng hôm sau thì bắt gặp một cảnh tượng đáng lo ngại: Hồ bơi bên ngoài cửa sổ khách sạn đột nhiên chuyển từ màu nước trong vắt sang màu bùn – ông kể. Sau đó hóa ra đó là nước lũ chảy vào từ ống dưới đáy hồ bơi. Ngay sau đó, dòng nước đục ngầu tràn ra khỏi hồ bơi, nhanh chóng phủ kín sân rồi chảy lên cầu thang.
Họ bị mắc kẹt trong khách sạn trong hai đêm cho đến khi một đội tình nguyện đến giải cứu họ.
Người dân vùng lũ được phát lương thực tiếp tế ở tỉnh Tứ Xuyên - Ảnh: Getty
Tại Trùng Khánh, chính quyền thành phố cho biết hồi tháng trước lũ lụt dọc theo thượng nguồn sông Dương Tử lần này là trận lũ tồi tệ nhất kể từ năm 1940. Khoảng 40.000 cư dân đã được sơ tán.
Trùng Khánh nằm ở vùng núi của Trung Quốc với nhiều công trình được xây dựng trực tiếp trên sườn đồi. Một video cho thấy nước lũ đục ngầu chảy ra từ một cửa sổ phía trên của một tòa nhà trong khu dân cư, giống như một thác nước nhân tạo.
Người dân di chuyển trên đường phố ngập trong dòng lũ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy ngày 27-6 - Ảnh: China Daily
(CAO) Những ngày qua mưa lớn trên diện rộng ở khu vực miền trung và miền nam Trung Quốc đã khiến nước lũ lên nhanh ở các nhánh sông, gây quá tải cho các con đập thuỷ điện trong đó có đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
(CAO) Hôm 3-7, Taiwan News đưa tin mưa lớn trên diện rộng ở miền trung và nam Trung Quốc trong tháng thứ hai liên tiếp khiến chính quyền Bắc Kinh phải phát đi cảnh báo về đợt “hồng thuỷ số 1” trong năm ở lưu vực sông Trường Giang.
Anh Duy (Theo New York Times)