Năm Dậu bàn chuyện con gà thời ‘toàn cầu hóa’

Chủ Nhật, 29/01/2017 15:14  | Anh Duy

|

(CAO) Dòng chảy thời gian sau 12 năm lại quay về con giáp cũ. Năm nay con gà - loài gia cầm quen thuộc với nhân loại lại được lịch Can Chi “gọi tên” để đại diện cho năm mới tới: Đinh Dậu 2017.

12 năm trước, khi nhà báo Mỹ Thomas Friedman lần đầu xuất bản cuốn Thế Giới Phẳng (The World Is Flat) với tên sách sau đó đã thành thuật ngữ nổi tiếng mô tả xu hướng toàn cầu hóa, người dân Việt Nam đã dần quen với logo đỏ cùng nụ cười duyên của Harland Sanders – “cha đẻ” chuỗi cửa hàng gà rán KFC. Ất Dậu 2005 đánh dấu 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ (1995). Cũng chừng ấy 8 năm, những miếng gà tẩm bột, ướp gia vị rán trong dầu theo công thức đặc trưng của Sanders từ miền quê Kentucky hiện diện ở Sài Gòn theo đà tiến của trong quan hệ hai nước.

Những miếng gà thơm giòn, vàng rụm làm phong phú thêm khẩu vị của thị dân Việt Nam thời mở cửa, đã truyền tải trong đó thông điệp toàn cầu hóa mạnh mẽ của thời đại chúng ta: sự phát triển kỹ thuật, công nghệ như vũ bão khiến thế giới “phẳng” dần với sự xóa nhòa khoảng cách địa lý bằng những con tàu, chuyến bay di chuyển liên lục địa. Mạng Internet kết nối tức thời mọi cá nhân cũng góp phần vào khái niệm “phẳng” mà Friedman đề cập sau đó 8 năm. Ở đó, những ý tưởng táo bạo kiểu KFC không còn bó gọn trong biên giới 1 quốc gia mà đã lan đi như những xung động địa chấn ra khắp toàn cầu.

Đánh trúng thị hiếu khách hàng với ý tưởng kinh doanh sáng tạo là cách thức để những nhãn hàng mang thương hiệu quốc gia góp phần định hình nên phong cách sống.

Đinh Dậu 2017, Việt Nam với tư cách thành viên tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã trải qua nhiều năm hội nhập sâu rộng vào cuộc chơi kinh tế toàn cầu. Tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại liên kết giữa tiểu vùng và khu vực, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp Việt ngày càng có một “sân chơi” rộng mở. Đó là lúc khái niệm “quốc gia khởi nghiệp” được chính phủ nhiều lần nhắc tới, nơi những ý tưởng táo bạo được nhà nước và xã hội cùng chung tay đầu tư, chấp cánh thành những dự án kinh doanh khả thi.

Thương hiệu Việt nổi tiếng toàn cầu trong sân chơi đa quốc gia đầy cạnh tranh là mục tiêu mà nền kinh tế nước ta đang gầy dựng. Những miếng gà rán xâm nhập thị trường từ nước Mỹ xa xôi là lời “thách đấu” vẫn còn nguyên giá trị cho cộng đồng khởi nghiệp Việt suốt 2 thập kỷ: Chúng ta đã bước chân ra biển lớn.

Việt Nam đứng trước sân chơi toàn cầu hóa - Ảnh minh họa

Sân chơi toàn cầu không ở đâu xa mà được tạo dựng ngay chính từ tư duy của những cá nhân táo bạo. Vua Hùng thứ 18 kén rể cho con gái mình mấy ngàn năm trước, có lẽ ông sẽ không thể ngờ sính lễ quý hiếm mà mình ra giá cho Thủy Tinh, Sơn Tinh đi tìm lại được hậu bối thời toàn cầu hóa hiện nay nhân giống đại trà. “Hãy tìm cho ta một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao làm sính lễ cưới công chúa” – lời của Vua Hùng thứ 18 trong truyền thuyết đã được chàng trai Nghiêm Gia Dũng (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) hiện thực hóa bằng một sản vật trong yêu cầu sính lễ: xây trang trại nuôi hàng trăm con gà chín cựa từ nhiều năm nay.

Không khó tìm kiếm trên mạng Internet thông tin về chàng trai có ý tưởng táo bạo này: Nghiệp tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, ra trường với công việc ổn định ở một ngân hàng, nhưng với anh, một người đầy hoài bão và sức trẻ đó chưa phải là đích đến của cuộc đời. Trong một lần về thăm cộng đồng người Dao ở bản Còi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, Nghiệp tìm ra giống gà quý hiếm này. Trải qua thời gian dài thuyết phục chủ nhân của nó ở Phú Thọ cho di lý giống từ về miền Nam, qua nhiều thất bại vẫn không bỏ cuộc, đến nay chàng trai này đã sở hữu trang trại nuôi hàng trăm con gà chín cựa với giá mỗi con xuất chuồng từ 3 triệu đến 20 triệu đồng.

Những câu chuyện khởi nghiệp thành công như Dũng không còn khó kiếm trong thời đại ngày nay, nơi những con người táo bạo dám nghĩ dám làm, dám tư duy khác biệt với đám đông thực hiện. Nhiều câu chuyện khác như nuôi giống gà Đông Tảo nổi tiếng để tiến vua thời xưa cũng được “ghi dấu” bằng các trang trại quy mô lớn từ nam chí bắc đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho những người chủ.

Điểm chung của họ là đánh đúng vào thị hiếu của thị trường: những mặt hàng chất lượng, quý hiếm nhanh chóng “cháy hàng” dù giá thành không hề rẻ. Thông tin gà Đông Tảo hay gà chín cựa xuất khẩu, xuất hiện trên kệ hàng các nước khác đã không còn là điều mới mẻ. Những sản phẩm Việt Nam cứ thế được chắp cánh bằng những tư duy táo bạo, từng bước xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu.

Một “thế giới phẳng” như định nghĩa của Friedman tạo nên sân chơi sòng phẳng trên toàn cầu không phải lúc nào cũng “bằng phẳng” về lý thuyết. Cạnh tranh công bằng và bảo hộ thương mại luôn là kẻ thù của nhau khi các nước tự dựng “rào cản” để tạo ra lợi thế cho hàng hóa nội địa, thậm chí dùng các mặt hàng như “vũ khí” để trừng phạt nhau.

Lãnh đạo các nước G7 trong một phiên thảo luận bàn về các chính sách hợp tác và phát triển thời Toàn cầu hóa 

Cách đây hơn 2 năm, 1 bản tin trên đài Bloomberg vẫn làm tôi nhớ mãi về “cuộc chiến thực phẩm” mà trong đó những con gà bỗng chốc thành nạn nhân trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga và Mỹ vì khủng hoảng tại Ukraine:

Đầu tháng 8-2014, vài tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ chính quyền Kiev, Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã thắt chặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên chính quyền Moscow. Để đáp trả, Cơ quan An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nga cuối tháng 7-2014 loan tin từ đầu tháng 8, các loại thịt gia cầm, trong đó có thịt gà từ Mỹ và một số loại hoa quả từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) bị cấm nhập khẩu. Để nêu rõ tác động, Bloomberg dẫn thống kê của Hội đồng xuất khẩu Trứng và Gia cầm Mỹ cho biết năm 2013, Mỹ xuất khẩu qua Nga đến 390 triệu USD thịt gà, trở thành thị trường lớn thứ hai tiêu thụ thịt gà Mỹ sau Mexico.

Không dừng ở đó, Nga còn “bồi thêm” bằng biện pháp gia tăng việc kiểm tra chất lượng các nhà cung cấp thịt gà cho chuỗi hàng đồ ăn nhanh của Mỹ McDonald’s do “nghi ngờ thịt có sử dụng chất kháng sinh”. Theo chân thịt gà, các loại thịt khác như bò, lợn cũng “dính chưởng” hạn chế nhập khẩu. 

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) chỉ 1 ngày sau khi Moscow cấm nhập thịt gà và các loại gia cầm khác cùng một số loại hoa quả từ Mỹ và EU, đã siết chặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, quân sự lên chính quyền Nga. Những con gà nay đứng giữa “cuộc chiến” rồi nhanh chóng thành nạn nhân trong chính sách trả đũa kinh tế giữa các nước. 

Tại Việt Nam, hơn ai hết những người chăn nuôi luôn thấu hiểu nỗi đau khi gia sản là những đàn gia cầm (gà, vịt) hàng trăm con chết sạch vì dịch cúm gia cầm H5N1 (còn gọi là cúm gà) hoành hành từ đỉnh dịch là năm 2005 đến tận năm 2014 vẫn còn xảy ra rải rác ở một số nơi.

Những đàn gà con từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình đến quy mô trang trại, niềm hy vọng tích tụ bao vốn liếng trong đó bị thiêu hủy vì nhiễm virus H5N1. Nỗi đau hòa cùng những giọt nước mắt khiến những trang báo đưa tin phủ lấy màu buồn.

Virus cúm gà theo đàn chim di trú muôn phương gây ra những ổ dịch trên người khiến “gà chết, người cũng ngất ngư”. Hàng trăm người trên toàn cầu (trong đó có Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc…) đã chết vì virus cúm gà H5N1 và những biến thể khác khi tiếp xúc với nguồn lây ban đầu là những đàn gia cầm sống cạnh.

Dịch cúm gà khiến Thế giới một thời khốn đốn 

Thời toàn cầu hóa khi những con tàu, chuyến bay di chuyển liên lục địa kết nối mọi người thì sự “phẳng” đó đã trở thành ác mộng khi đem virus cúm gà (cũng như các loại bệnh truyền nhiễm khác) từ các ổ dịch ở nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác. Cách đây vài năm, dịch Ebola ở các nước Châu Phi lây lan nhanh sang một số nước khác cũng là lời nhắc nhở như cúm gà khi xưa về một trong những hiểm nguy ở khía cạnh lây truyền trong thời đại toàn cầu hiện nay. Một người mang mầm bệnh cúm gà ở Hồng Kông một ngày sau có thể thành nguồn lây khi đặt chân xuống 1 sân bay ở New York. 1 vòng Trái đất chỉ trong tích tắc biến đàn gà nhiễm bệnh trở thành ác mộng ở khắp nơi.

Đinh Dậu 2017, năm của con gà lại tới. Trong một thế giới của Twitter, Facebook, của công nghệ phát triển vượt bậc mà chỉ vài thập kỷ nữa thôi con người được dự báo có khả năng đáp phi thuyền đặt chân lên Sao Hỏa (Dự án của NASA hay công ty SpaceX) thì cuộc chơi toàn cầu hóa ngày càng trở nên cạnh tranh và khốc liệt. Nơi đó chỉ dành cho những người có tư duy táo bạo, có hoài bão, mơ ước và một tinh thần kiên trì dấn thân, như những chú gà cần cù chăm chỉ, bới đất tìm giun.

Dự án thám hiểm sao Hỏa của NASA

Edison từng nói “Thiên tài là do 99% cần cù và 1% thông minh tạo nên”. Thất bại nhiều lần rồi sẽ thành công miễn rằng ta đừng nản chí. Hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức cũng như hiểm nguy của xu thế toàn cầu hóa để tận dụng hay tránh xa là cách thức để một cá nhân, doanh nghiệp hay một quốc gia thành công trong cuộc chơi toàn cầu.

Kết thúc bài viết, tác giả đọc được những dòng này ở một trang bói toán vui trên mạng: “Những người tuổi Dậu có tính cần cù, kiên trì không biết mệt mỏi. Có chí tiến thủ. Làm việc ổn định, dám dũng cảm xông lên phía trước”. Thiết nghĩ đó là những đức tính cần thiết để một người có thể thích ứng trong thời đại cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay.

Một trang trại nuôi gà ở Vĩnh Phúc, Việt Nam - Ảnh: Vietnamnet

Chúc độc giả báo Công an TP.HCM năm mới an lành, hạnh phúc, “chân cứng đá mềm” vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, kiên trì như “gà bới giun” để đến đích thành công của đời mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang