(CAO) Hôm 16-10, AFP đưa tin chính quyền Nhật sẽ cho thải hơn 1 triệu tấn nước đã qua xử lý từ sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống biển, trong một hoạt động làm sạch phóng xạ dài hơi có thể kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Động thái xả thải này diễn ra bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của những ngư dân địa phương.
Việc xả nước xử lý nhà máy đã được lọc để giảm nồng độ phóng xạ, sẽ được tiến hành từ đầu năm 2022, theo các tờ báo như Nikkei cho biết.
Số nước này từng được sử dụng để làm mát nhà máy sau sự cố động đất – sóng thần năm 2011. Quyết định cũng chấm dứt nhiều năm bàn thảo về cách thức xử lý chất lỏng của sự cố Fukushima. Trước đó các giải pháp được đưa ra bao gồm xả nước ra biển hay xử lý cho số nước này bốc hơi.
Tính đến tháng trước, có khoảng 1,23 triệu tấn nước thải xử lý sự cố được chứa ở nhà máy này.
Các nhà hoạt động môi trường và ngư dân phản đối kịch liệt vì lo ngại lượng phóng xạ dù thấp, còn tồn đọng trong lượng nước này sẽ ảnh hưởng đến hải sản và các sản phẩm nông nghiệp khác trong vùng.
Nước từ quá trình xử lý sự cố Fukushima sẽ được Nhật thải ra biển trong thời gian tới - Ảnh: AFP Hàn Quốc – quốc gia láng giềng đã ban lệnh cấm nhập khẩu hải sản ở khu vực quanh nhà máy, trước thông tin này cũng đã lặp lại quan ngại của họ về những tác động đến môi trường.
Với công nghệ hiện nay, hầu hết các đồng vị phóng xạ đã được loại bỏ bằng một quá trình lọc mở rộng, nhưng một phần còn lại, chứa chất phóng xạ Tritium không thể được loại bỏ bằng công nghệ hiện có.
Hồi tháng 1, ban chuyên gia của chính phủ Nhật khuyên rằng đổ nước xử lý ra biển là một lựa chọn khả thi vì phương pháp này cũng được sử dụng tại các lò phản ứng hạt nhân bình thường.
Theo các chuyên gia, Tritium chỉ gây hại cho con người với liều lượng rất lớn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng cho rằng nước được lọc đúng cách có thể được pha loãng với nước biển và sau đó được thải ra đại dương một cách an toàn.
Tờ Yomiuri cho biết nước sẽ được pha loãng bên trong cơ sở trước khi được thải ra để nó ít cô đặc hơn 40 lần, với toàn bộ quá trình này mất 30 năm.
Nước đã qua xử lý hiện được giữ trong một nghìn bể chứa khổng lồ tại nhà máy Fukushima Daiichi, nơi các lò phản ứng với lõi chất phóng xạ đã bị tan chảy gần một thập kỷ trước sau trận sóng thần do động đất gây ra.
Công ty điều hành nhà máy - TEPCO đang xây dựng thêm các bể chứa, nhưng tất cả sẽ đầy sức chứa vào giữa năm 2022.