(CAO) Ấn Độ đã bảo vệ quyết định tổ chức cuộc họp của Nhóm 20 (G20) tại lãnh thổ Jammu và Kashmir thuộc dãy Himalaya, bất chấp phản ứng từ một số quốc gia và nhóm nhân quyền.
Srinagar, thủ phủ của bang Jammu và Kashmir, dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp cho các thành viên G20 trong tuần này, trong một động thái mà chính phủ Ấn Độ xem như một cơ hội để giới thiệu văn hóa của khu vực.
Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên có quy mô như vậy được tổ chức tại khu vực có đa số người Hồi giáo đang trong tình trạng tranh chấp kể từ khi Ấn Độ thu hồi quy chế đặc biệt và chia bang cũ thành hai lãnh thổ liên bang vào năm 2019. Ladakh, trước đây là một phần của bang, đã bị tách ra và thành một lãnh thổ độc lập khác.
Ladakh là một khu vực tranh chấp dọc theo Đường kiểm soát thực tế, một biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền một phần của nó.
Trung Quốc cho biết, họ sẽ không tham dự cuộc họp, với lý do phản đối “tổ chức bất kỳ loại cuộc họp G20 nào trong lãnh thổ tranh chấp” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nhấn mạnh.
Kể từ khi một cuộc đụng độ liên quan đến giao tranh vào năm 2020 cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc, cả hai bên đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới khu vực. Căng thẳng dọc biên giới trên thực tế đã âm ỉ trong hơn 60 năm và từng dẫn đến chiến tranh trước đó.
Hội nghị G20 được tổ chức ở khu vực Kashmir gây nhiều tranh cãi
Các quốc gia khác, bao gồm Ả Rập Saudi, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ tẩy chay sự kiện này.
Kashmir là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới. Được cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền, khu vực miền núi này là tâm điểm trong hơn 70 năm của cuộc tranh giành lãnh thổ thường xuyên bạo lực giữa các nước láng giềng. Một đường biên giới trên thực tế được gọi là Đường kiểm soát phân chia nó giữa New Delhi và Islamabad.
Ấn Độ cho biết động thái thu hồi quyền bán tự trị của Kashmir là để đảm bảo luật pháp của quốc gia này bình đẳng cho mọi công dân và tăng cường phát triển kinh tế trong khu vực, cũng như chấm dứt chủ nghĩa ly khai và khủng bố mà nước này cáo buộc là do Pakistan hỗ trợ.
Vào tháng 4, Pakistan, quốc gia không phải là thành viên G20, đã chỉ trích quyết định của Ấn Độ tổ chức cuộc họp du lịch ở Kashmir.
Đầu tháng này, Ấn Độ thông tin, cuộc họp G20 tại Srinagar “nhằm tăng cường tăng trưởng kinh tế, bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển bền vững khu vực”.