Những hình ảnh quốc tế nổi bật trong năm 2019

Thứ Sáu, 27/12/2019 22:49

|

​(CAO) Một năm nữa lại qua đi, năm 2019 khi Thế giới chứng kiến vô vàn biến động.

Từ những vụ cháy rừng trên khắp Thế giới là tiếng chuông cảnh báo cho thực trạng biến đổi khí hậu, cho đến các cuộc biểu tình rộng khắp thể hiện sự bất mãn của người dân đối với các chính quyền vì chênh lệch giàu nghèo, chi phí sinh hoạt cao trong thời đại toàn cầu hoá.

Ngoài ra còn có những cuộc biểu tình đòi quyền lợi chính trị trước chính quyền trung ương như ở Hong Kong.

Cảnh sát Hong Kong đối phó với những người biểu tình chống dự luật dẫn độ. Các cuộc biểu tình suốt gần 7 tháng qua (bắt đầu từ tháng 6-2019) đã nhấn chìm đặc khu này trong bạo động, bất ổn, thể hiện sự bất mãn của người dân trước sự can thiệp ngày càng sâu rộng của chính quyền Trung Quốc vào nền chính trị đặc thù của nơi đây - Ảnh: Reuters

Một thế giới chia rẽ với chủ nghĩa đơn phương đang áp đảo dần chủ nghĩa đa phương. Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ điển hình. Ông rút khỏi nhiều thoả thuận thương mại song phương để đàm phán lại: Từ NAFTA cho đến hiệp ước hạt nhân với Iran vào năm ngoái (2018).

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra quyết liệt cũng góp phần định hình bức tranh kinh tế toàn cầu với chuỗi cung ứng hàng hoá bị xáo trộn.

Tất cả đã lọt vào ống kính của các nhiếp ảnh gia quốc tế trên toàn cầu.

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy ngày 15-4. Một công trình kiến trúc có tuổi đời lâu bị thiệt hại sau trận hoả hoạn gây tiếc nuối trên toàn cầu - Ảnh: Reuters

 

Thủ lĩnh đối lập Guaido được Mỹ và một số nước khác công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela. Cuộc dằng co chính trị giữa Guaido và tổng thống đương nhiệm Maduro diễn ra trong bối cảnh nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng phi mã. Người dân bất mãn vì thiếu nhu yếu phẩm để dùng - Ảnh: Reuters

Xác người bên trong một nhà thờ bị đánh bom vào dịp lễ Phục sinh ở Sri Lanka vào ngày 21-4 gây chấn động toàn cầu về mức độ và quy mô của loạt tấn công khủng bố liên hoàn - Ảnh: Reuters

Người di cư đụng độ với lực lượng an ninh Hy Lạp ở biên giới. Dòng người di cư không ngừng đổ về Châu Âu từ các ngả để mong tìm kiếm một cuộc sống chất lượng hơn - Ảnh: Reuters

Ngôi nhà xơ xác sau khi bão nhiệt đới Dorian quét qua Great Abaco, Bahamas ngày 8-9. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khắc nghiệt - Ảnh: Reuters

Người biểu tình sử dụng vũ khí tự chế trong cuộc biểu tình chống chính quyền ở Quito, Ecuador ngày 12-10 - Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Bolivia - Morales trong bức ảnh chụp trên đường phố ngày 19-10. Sau những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối kết quả bầu cử của người dân, ông phải đào tẩu khỏi đất nước, hiện đang sống lưu vong ở Mexico - Ảnh: Reuters

Những gì còn lại ở một khu ổ chuột ở Dhaka, Bangladesh ngày 17-8 khi hoả hoạn xảy ra - Ảnh: Reuters

Hwang Hyeon-dong, 25 tuổi sống trong căn phòng chật hẹp ở Seoul, Hàn Quốc. Trong cuộc chơi toàn cầu hoá có một tầng lớp nghèo khổ sống trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, bị bỏ lại phía sau - Ảnh: Reuters

Một người trẻ chú mục vào điện thoại thông minh ở quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ ngày 8-5. Ngày nay điện thoại di động là vật bất ly thân của nhiều người trong thời đại công nghệ số - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump làm nghi thức chào cờ trước đám đông ủng hộ ông tại Lake Charles, bang Louisiana ngày 11-10. Ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ 2 ở Nhà Trắng trong cuộc bầu cử dự báo nhiều kịch tính vào năm sau - Ảnh: Reuters

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump hôn xã giao thủ tướng Canada Justin Trudeau tại hội nghị G7 ở Pháp ngày 25-8 - Ảnh: Reuters

Thượng nghị sĩ Haiti - Jean Marie Ralph Fethiere chĩa súng bắn chỉ thiên khi đối mặt với những người ủng hộ phe đối lập ngày 23-9. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất trên Thế giới - Ảnh: Reuters

Thi thể 2 cha con di dân người Salvador - Oscar Alberto Martinez Ramirez và con gái Valeria nằm ở dòng sông biên giới Rio Bravo giữa Mexico và Mỹ ngày 24-6. Dòng người di dân ở các nước Trung Mỹ không ngừng đổ đến Mỹ để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn bất chấp chính sách siết nhập cư phi pháp của tổng thống Trump - Ảnh: Reuters

Cầu vồng do nước phun trong cuộc biểu tình ở Santiago, Chile ngày 24-10. Chênh lệnh giàu nghèo, chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến ngọn lửa bất mãn được dịp bùng lên khi chính quyền tăng nhẹ giá tàu điện ngầm ở Santiago - Ảnh: Reuters

Người dân tập họp ở quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh ngày 1-10-2019 kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. Trung Quốc đang dần chuyển mình trở thành một siêu cường toàn cầu, đi kèm với đó là những lo ngại về sự khuếch trương ảnh hưởng - Ảnh: Reuters

Fatima Ibrahim Hadi, 12 tuổi bị suy dinh dưỡng với thân hình chỉ còn 10kg. Em được chăm sóc tại phòng khám ở Aslam, tây bắc tỉnh Hajjah, Yemen. Ảnh chụp ngày 17-2. Nội chiến ở Yemen khiến hàng ngàn người chịu cảnh như Hadi. Cộng đồng quốc tế cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra ở đây - Ảnh: Reuters

Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei - bà Mạnh Vãn Chu đeo vòng theo dõi ở chân, rời nhà đến toà án ở thành phố Vancouver, Canada ngày 23-9. Bà bị bắt và bị Mỹ yêu cầu dẫn độ đến nước này xét xử với cáo buộc bán thiết bị và công nghệ, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên nhiều người cho rằng bà là "con tốt" trong ván cờ chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung - Ảnh: Reuters

Cháy rừng nhiệt đới lớn nhất Thế giới: Amazon, Brazil ngày 15-9.  Biến đổi khí hậu cùng hành vi đốt rừng làm rẫy của con người khiến những cánh rừng bốc cháy - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp lịch sử tại khu phi quân sự (DMZ) liên Triều ngày 30-6. Ông Trump cũng đã bước qua phần đất của Triều Tiên mấy bước, lần đầu tiên đối với một tổng thống Mỹ còn tại nhiệm. Thế nhưng những tháng sau bế tắc trên bàn đàm phán khiến quan hệ 2 bên lạnh nhạt trở lại. Triều Tiên cho biết nếu Mỹ không cải thiện quan hệ, họ sẽ đi theo một "con đường mới" với khả năng nối lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa tầm xa - Ảnh: Reuters

Những người biểu tình chống chính quyền trong phong trào Áo khoác vàng tại Pháp ngày 16-3 . Họ bất mãn vì chính sách đánh thuế nhiên liệu của chính quyền Macron. Chênh lệch giàu - nghèo giữa vủng quê và thành thị đã khiến các cuộc biểu tình của phong trào này lan rộng - Ảnh: Reuters

Bình luận (0)

Lên đầu trang