(CAO) Câu chuyện về nam thanh niên Hwang Hyeon-dong, sống giữa lòng Seoul (Hàn Quốc) qua bài tường thuật của Reuters mới đây với nhan đề “Bức tranh rộng lớn hơn: Không tiền, không hy vọng – Thế hệ “Thìa bẩn” của Hàn Quốc chống lại chính quyền Moon” cho thấy bất bình đẳng đã len lỏi ở một đất nước giàu có, thịnh vượng như thế nào.
Hwang Hyeon-dong sống trong căn phòng vỏn vẹn 6,6 mét vuông, toạ lạc gần khu học xá trường Đại học của mình ở Seoul với phòng tắm và nhà bếp dùng chung với những người ở các phòng khác. Hwang thuê nó với giá 302 USD/tháng (khoảng 7 triệu đồng).
Những căn phòng chật chội, được trang bị nội thất sơ sài dạng này, được gọi là Goshi-won, trước đây thường được các sinh viên thuê khi lên thành phố lớn ôn thi trong các đợt tuyển dụng vào những tập đoàn lớn.
Giờ đây các Goshi-won đang dần trở thành nơi cư trú dài hạn cho những người trẻ tuổi như Hwang, những người tự nhận mình thuộc về tầng lớp “thìa bẩn”, những người sinh ra trong các gia đình có thu nhập thấp, đã từ bỏ việc phấn đấu để dịch chuyển lên các tầng lớp giàu có, có địa vị cao hơn trong thang bậc xã hội.
Hwang Hyeon-dong, 25 tuổi sống trong căn phòng chật hẹp ở Seoul, cho biết mình thuộc tầng lớp “thìa bẩn” - Ảnh: Reuters
“Nếu tôi cố gắng hết sức và có được một công việc tốt, liệu tôi có đủ khả năng để mua một căn nhà hay không?” – Hwang hỏi xoáy (cũng là tự trả lời) với phóng viên Reuters. Giá nhà, đất tại Hàn Quốc rất đắt đỏ. Hwang năm nay 25 tuổi sống trong căn phòng nhỏ bề bộn của mình, nơi quần áo của anh để chất đống trên giường. “Tôi liệu có thể thu hẹp khoảng cách vốn dĩ đã quá lớn rồi hay không?” – anh cay đắng nói.
Khái niệm “thìa bẩn” và “thìa vàng” phát sinh trong xã hội Hàn Quốc. Trái với “thìa bẩn”, “thìa vàng” chỉ những người sinh ra trong các gia đình khá giả. Hai khái niệm này xuất hiện đã nhiều năm nhưng bùng nổ trong bối cảnh chính trị những năm gần đây.
Anh sống chật vật trong căn phòng thuê rộng 6,6 mét vuông của mình giữa lòng Seoul đô hội - Ảnh: Reuters
Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền vào năm 2017 trên nền tảng một chiến dịch tranh cử hứa sẽ đem lại công bằng về mặt xã hội và kinh tế. Tuy nhiên đến nay khi đã đi qua nửa nhiệm kỳ, Moon cho thấy ít có sự tiến bộ trong cải thiện tình hình dưới mắt những người trẻ, lớp người đang gánh chịu sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc.
Đặc quyền, đặc lợi của “thìa vàng”
Thay vào đó, chênh lệch về thu nhập đã tăng lên đáng kể từ khi Tổng thống Moon nhậm chức, với mức chênh lệch lên đến 5,5 lần giữa người có thu nhập cao nhất và thấp nhất so với mức 4,9 lần lúc ông vừa nhậm chức.
Hwang (đang học năm ba chuyên ngành nghiên cứu truyền thông) dẫn chứng vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk làm ví dụ “cảnh tỉnh” cho tầng lớp “thìa bẩn” như mình, những người có thể đã từng tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra sự khác biệt.
Cho và vợ ông, một giáo sư đại học đã bị buộc tội sử dụng địa vị của họ để giúp con gái được nhận vào trường y vào năm 2015. Cho sinh ra đã là “thìa vàng” khi xuất thân từ một gia đình khá giả sống ở khu Gangnam (Khu nhà giàu ở Seoul) từng hứa sẽ đem lại “công bằng xã hội” khi bước chân vào con đường chính trị. Cho vừa từ chức vào tháng 10 còn vợ ông phải ra toà.
Trong khi đó Kim Jae-hoon, 26 tuổi, phải làm việc bán thời gian ở một quán bar gần trường - Ảnh: Reuters
Với nhiều thanh niên đang chật vật mưu sinh như Hwang, vụ bê bối của Bộ trưởng Cho đã thổi bùng các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon, thể hiện sự bất mãn của họ trước những người “thìa vàng” vốn dễ dàng tiến xa hơn trong xã hội nhờ sự giúp đỡ từ địa vị của cha mẹ họ và sự giàu có của gia đình.
Trong một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 9-2019 lấy mẫu với 3.289 người ở Hàn Quốc. ¾ trong số đó cho rằng nền tảng của cha mẹ (địa vị) là chìa khóa cho sự thành công của đứa con.
Một thanh niên khác tên Kim Jae-hoon, 26 tuổi, sống trong một căn hộ Goshi-won nói với Reuters: “Điều làm tôi tức giận là có những người đang được nâng đỡ không đúng cách. Thật tốt khi có ai đó đang học trong khi tôi phải mài lưng làm việc, nhưng thực tế là họ đang được nâng đỡ không đúng cách khiến tôi tức giận”.
Anh phải ăn cơm với gạo giá rẻ nấu với nước sốt - Ảnh: Reuters
Kim hiện đang làm nhân viên phục vụ bán thời gian tại một quán bar gần trường và nhận được 400.000 won/tháng cho tiền thuê nhà, thực phẩm và phụ cấp. Hầu hết các bữa ăn là cơm trộn với trứng, củ hành và nước sốt. Những cử tri trẻ, có thu nhập thấp như Kim đã quay lưng với Tổng thống Moon với số lượng kỷ lục.
Theo một cuộc thăm dò của Viện Gallup Hàn Quốc, tỉ lệ ủng hộ của các cử tri trong độ tuổi từ 19 đến 29 dành cho ông Moon đã giảm từ 90% vào tháng 6-2017 xuống còn 44% vào tháng 10-2017.
Bất bình đẳng thu nhập từ đó đã thổi bùng lên các cuộc biểu tình biểu thị sự bất mãn. Tại Hàn Quốc giờ đây, thìa vàng (chế tác bằng vàng thật) trở thành một món quà bán chạy, thay thế nhẫn vàng truyền thống được tặng cho trẻ em vào dịp thôi nôi (tròn 1 tuổi) với ý nguyện chúc chúng có một cuộc sống giàu có sau này.
Những người trẻ này mới chính là lực lượng quay lưng lại với chính quyền Moon - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Anh Duy lược dịch