(CAO) Chiều nay 4-10 (giờ VN), BBC đưa tin giải Nobel Hóa học 2017 đã về tay 3 nhà khoa học Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard Henderson với thành tựu phát triển kính hiển vi điện từ cryo (còn gọi là kính hiển vi electron nhiệt độ thấp) cho ra hình ảnh các cấu trúc phân giải cao của tế bào trong dung dịch.
Kỹ thuật này thuộc về cộng nghệ tạo ảnh phân tử sinh học nhằm đơn giản hóa quá trình xem xét các khối cơ bản trong sinh học.
Qua kính hiển vi cryo, các nhà khoa học có thể nhìn thấy rõ hơn hình chụp sắc nét của các khối phân tử cấu thành nên sinh vật sống, quan sát rõ nét sự chuyển động của các phân tử này và cho phép các nhà khoa học hình dung được quá trình cấu thành sự sống ở cấp độ phân tử mà trước đây các kỹ thuật khác chưa cho phép họ nhìn thấy được.
Nhờ cải thiện kỹ thuật hiển thị hình ảnh qua kính hiển vi, Chủ tịch Ủy ban trao giải Nobel Hóa học Sara Snogerup Linse cho biết: “Nhờ kỹ thuật này, chẳng còn bao lâu thì chúng ta sẽ không còn điều gì bí mật nữa vì giờ đây chúng ta có thể thấy được từng chi tiết phức tạp ở cấp độ phân tử sinh học ở mọi góc độ của tế bào và mỗi giọt dịch cơ thể của chúng ta”. Ủy ban trao giải Nobel cũng nhận định: “Bước tiến này mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sinh hóa”.
Nhờ kỹ thuật hiển thị cho hình ảnh rõ nét của loại kính hiển vi này mà “chúng ta có thể hiểu được cách thức vật thể (sống) được cấu thành và cách thức mà chúng hoạt động cùng nhau. Chúng ta đang đối diện với một cuộc cách mạng trong ngành hóa sinh”.
Cấu trúc của virus Zika được xác định bằng công nghệ hình ảnh của kính hiển vi cryo - Ảnh: Purdue Uni
Kính hiển vi điện từ cryo đã được sử dụng để chụp hình ảnh khuẩn Salmonella tấn công các tế bào, các protein hoạt động liên quan đến quá trình kháng thuốc kháng sinh và nghiên cứu cấu trúc phân tử của các gen (một đoạn ADN) điều khiển nhịp sinh học của cơ thể.
Kính hiển vi cryo cũng đã giúp chụp hình để xác định cấu trúc của virus Zika gây dịch bệnh toàn cầu trong thời gian qua.
Nhờ kỹ thuật hình ảnh của kính hiển vi cryo, các hình ảnh 3D cấu trúc cấu tạo của virus Zika ở độ phân giải cấp độ nguyên tử đã được tạo ra, nhờ đó các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu dựa vào đó để tìm phương thuốc tấn công loại virus này.
Jacques Dubochet hiện đang công tác tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, Joachim Frank làm việc Đại học Columbia, Mỹ và Richard Henderson công tác tại Đại học Cambridge, Anh.
3 nhà khoa học lãnh giải Nobel Hóa học năm nay