Số ca nhiễm COVID-19 ở Philippines đã vượt mốc 1 triệu người

Thứ Ba, 27/04/2021 10:59  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 27-4, AAP đưa tin số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên hơn 1 triệu người ở Philippines trong bối cảnh các quan chức nước này đang cân nhắc việc có nên kéo dài thời gian phong toả ở khu vực Manila hay nới lỏng để chống lại suy thoái kinh tế, thất nghiệp và tình trạng đói kém.

Bộ Y tế đã báo cáo 8929 ca nhiễm mới vào hôm 26-4 nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên 1.006.428 ca, trong đó có 16.853 ca tử vong - cao thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia.

Philippines đã áp đặt đợt phong toả chống dịch đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, buộc hàng triệu người ở yên tại nhà của họ và đóng cửa các phương tiện giao thông công cộng cũng như hầu hết các cơ sở kinh doanh.

Các biện pháp phong toả nghiêm ngặt sau đó đã được nới lỏng vào cuối năm 2020 nhưng nền kinh tế vẫn suy giảm 9,6% với tỷ lệ thất nghiệp và nạn đói ở mức tồi tệ trong nhiều năm.

Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm Covid-19 lại tăng vọt vào tháng trước khiến chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải tái áp đặt lệnh cấm vận ở khu vực Manila, trung tâm tài chính và thương mại của đất nước với hơn 25 triệu dân. Một số bệnh viện ở thủ đô báo cáo tình trạng quá tải, với những bệnh nhân mới phải chờ đợi khá lâu mới được điều trị.

Các quan chức bệnh viện cho biết nhiều nhân viên y tế đã bị lây nhiễm hoặc phải nghỉ do căng thẳng và mệt mỏi.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Philippines đã vượt mốc 1 triệu - Ảnh: Reuters

Mặc dù số ca mắc mới có giảm nhẹ, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III cho biết ông tin rằng việc phong toả hiện tại nên được kéo dài thêm một hoặc hai tuần nữa. Các quan chức kinh tế trong khi đó đã cảnh báo rằng việc phong toả kéo dài sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm chậm sự phục hồi kinh tế.

"Năng lực của hệ thống y tế của chúng ta không được cải thiện nhiều", Duque nói với mạng phát thanh DZMM, cho biết thêm tình trạng thiếu các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện ở một số thành phố vẫn còn nghiêm trọng.

Hội Chữ thập đỏ Philippines cho biết tình trạng lây nhiễm gia tăng đã khiến các bệnh viện "bị bao vây", đồng thời tổ chức này đã dựng lều bệnh viện dã chiến và chuyển đổi các phòng học và tòa nhà không sử dụng để cách ly bệnh nhân.

Duterte và chính quyền của ông đã phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi về việc xử lý đại dịch và sự khởi đầu chậm chạp vào tháng trước của chiến dịch tiêm chủng, vốn bị cản trở bởi các vấn đề về nguồn cung, sự chậm trễ trong giao hàng và sự chần chừ của công chúng.

Các quan chức nội các và các chuyên gia y tế sẽ gặp nhau vào ngày 27-4 để đề nghị liệu có nên tiếp tục áp các biện pháp phong thoả hay không.

Bình luận (0)

Lên đầu trang