Thảm kịch Covid-19 tại Ấn Độ: Hệ thống y tế sụp đổ

Thứ Hai, 26/04/2021 19:38  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 26-4, Reuters đưa tin các bệnh viện tại Ấn Độ đã lâm vào tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân Covid-19. Nhiều người đã chết vì thiếu oxy để thở và không được chữa trị.

Các ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục trong ngày thứ 5 liên tiếp. Bang phía nam Karnataka, nơi có thành phố công nghệ Bengaluru đã ra lệnh phong toả 14 ngày kể từ ngày 27-4.

Chỉ trong 24h, nước này đã ghi nhận thêm 352.991 ca nhiễm mới trong khi các bệnh viện quá tải, hết giường bệnh, cạn nguồn oxy hỗ trợ thở máy cho các bệnh nhân.

Người phát ngôn của bệnh viện Sir Ganga Ram ở thủ đô New Delhi cho biết: “Hiện tại bệnh viện đang ở chế độ xin và mượn (vật tư y tế) và đó là một tình trạng cực kỳ khủng hoảng”.

Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi mọi người dân đi tiêm chủng và thận trọng, trong khi các bệnh viện và bác sĩ đưa ra thông báo khẩn cho biết họ không thể đối phó với dòng người nhiễm ngày một tăng này.

Tại một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như New Delhi, thi thể được thiêu trong các cơ sở tạm bợ để hỏa táng hàng loạt.

Thi thể một bệnh nhân Covid-19 được đưa đi hoả táng - Ảnh: Reuters

Kênh truyền hình NDTV đã phát đi hình ảnh ba nhân viên y tế ở bang Bihar, miền đông nước này kéo một thi thể dọc theo mặt đất trên đường đi hỏa táng.

"Nếu bạn chưa từng đi hỏa táng, mùi tử khí sẽ không bao giờ rời xa bạn" - Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, nói trên Twitter.

"Trái tim tôi tan nát khi tất cả bạn bè và gia đình của tôi ở Delhi và Ấn Độ phải trải qua cảnh địa ngục này” - giáo sư chia sẻ.

Hôm 25-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ gửi nguyên liệu thô sản xuất vaccine Covid-19, thiết bị y tế và đồ bảo hộ đến Ấn Độ.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Ấn Độ, với dân số 1,3 tỷ người, có tổng số 17,31 triệu ca nhiễm và 195.123 ca tử vong. Một số thành phố đã ra lệnh giới nghiêm.

Người thân đau đớn khóc than sau khi người nhà họ tử vong vì Covid-19 - Ảnh: Reuters

Các chính trị gia, đặc biệt là Modi đang phải đối mặt với những chỉ trích vì đã tổ chức các cuộc biểu tình phục vụ chiến dịch bầu cử cấp bang thu hút hàng nghìn người, được cho là một trong những nguyên nhân chính gây bùng dịch. 

Khoảng 8,6 triệu cử tri dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu vào ngày 26-4 ở bang phía đông Tây Bengal, trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đua chuẩn bị kết thúc vào tuần này.

Cũng bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương là bang Uttar Pradesh đông dân nhất, nơi đã báo cáo trung bình 30.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Số liệu của chính phủ cho thấy lời kêu gọi của Modi về việc tiêm chủng được đưa ra sau khi lượng tiêm chủng đạt đỉnh là 4,5 triệu liều vào ngày 5-4 nhưng kể từ đó chỉ còn đạt trung bình khoảng 2,7 triệu liều mỗi ngày.

Maharashtra nằm trong số một số bang đã ngừng tiêm chủng vaccine Covid-19 ở một số nơi vào ngày 25-4 vì thiếu nguồn cung.

"Tôi không biết khi nào mới đến lượt mình" - Shubhada Pendse, 68 tuổi, là một trong số hơn 1.000 người đã đổ xô đến một trung tâm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở thị trấn Satara của bang vài giờ trước khi nó mở cửa trở lại vào ngày 26-4.

Nhu cầu vaccine Covid-19 hiện đã vượt quá nguồn cung trong khi các công ty phải vật lộn để tăng sản lượng, một phần vì thiếu nguyên liệu và cháy tại cơ sở sản xuất vaccine AstraZeneca.

Tuy nhiên, chính phủ liên bang sẽ không tự nhập khẩu vaccine mà thay vào đó mong muốn các bang và công ty làm như vậy, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, hai quan chức chính phủ nói với Reuters.

Các bệnh viện ở bang Gujarat, quê hương phía tây của Modi cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy trầm trọng, các bác sĩ cho biết.

Bình oxy đang thiếu nghiêm trọng ở Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Dữ liệu cho thấy chỉ có 7 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) trong tổng số 1.277 giường được cung cấp tại 166 bệnh viện tư nhân được chỉ định để điều trị Covid-19 ở thành phố Ahmedabad lớn nhất của bang.

Mona Desai, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ahmedabad cho biết: “Vấn đề đang diễn ra gay gắt ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở các bệnh viện nhỏ hơn, nơi không có đường truyền oxy trung tâm”.

Nước láng giềng Bangladesh đã phong tỏa biên giới với Ấn Độ trong 14 ngày, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, mặc dù hoạt động thương mại sẽ tiếp tục.

Việc di chuyển bằng đường hàng không đã bị đình chỉ kể từ khi Bangladesh áp đặt lệnh phong toả hàng không vào ngày 14-4 để chống lại các ca nhiễm và tử vong kỷ lục. 

Những dàn thiêu đỏ lửa đêm ngày tiết lộ tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ
 
Bài học nào qua việc Ấn Độ “vỡ trận” trong chống dịch Covid-19?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang