(CAO) Hôm nay 16-7, sau “cơn sốt” World Cup cộng đồng quốc tế chuyển sự chú ý sang sự kiện không kém phần quan trọng: Thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra tại thủ đô Helsinki (Phần Lan).
Lần đầu tiên tổng thống Nga Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc tiếp xúc song phương trong một sự kiện dành cho 2 nước chứ không phải diễn ra bên lề một sự kiện khác.
Reuters nhận định cuộc gặp Trump – Putin sẽ khiến ông chủ Nhà Trắng vấp phải nhiều chỉ trích ở quê nhà nhưng lại là một chiến thắng địa chính trị cho Putin. Bao nhiêu vấn đề mâu thuẫn từ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, bất đồng Nga – Mỹ quanh việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, cuộc chiến uỷ nhiệm của hai “ông lớn” tại Syria hay việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Nga… được kỳ vọng sẽ được bàn thảo trong hội nghị song phương lần này.
Giới chuyên gia nhận định dù không ít lần lớn tiếng với nhau, tại hội nghị Helsinki lần này, Trump và Putin sẽ dành cho nhau những phát ngôn kiềm chế, nồng ấm nhằm cải thiện lại quan hệ Nga – Mỹ vốn được cho là tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 kết thúc.
Sự “giảm tông” chỉ trích này nhằm mở đường cho việc cả hai giải quyết nhiều vấn đề lớn như kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của hai bên hay chiến sự tại Syria. Bên này biết sẽ khó khăn nếu không được bên kia ủng hộ trong những vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên trước thềm cuộc gặp, tổng thống Trump nói với đài CBS rằng ông đặt “kỳ vọng thấp” đối với sự kiện lần này vì biết được bất đồng hai bên vẫn còn quá lớn. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết trên chương trình This Week rằng cuộc họp sẽ “không có một cấu trúc cố định nào”, tức nhiều khả năng sẽ bàn thảo cùng lúc nhiều vấn đề vướng mắc chứ không chỉ riêng 1 vấn đề đơn lẻ nào như Syria hay Ukraine.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói với đài RT rằng ông đặt kỳ vọng thấp cho cuộc gặp lần này. Việc Trump gặp Putin cho thấy những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại.
Trump và Putin gặp nhau bên lề hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11-2017 - Ảnh: AP
Ngược lại, với Trump những rắc rối vẫn còn chờ đợi ở quê nhà. Hôm 14-7, AFP dẫn lời Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein Mỹ cho biết: "Nhóm 12 nhân viên tình báo Nga bị buộc tội xâm nhập và hệ thống máy tính chịu trách nhiệm chính trong công tác bầu cử. Những người này rõ ràng có mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử một cách có chủ đích". Như vậy vấn đề Nga can thiệp bầu cử vẫn chưa dứt.
Reuters dẫn lời Andrey Kortunov – Giám đốc trung tâm tư vấn chiến lược RIAC ở Moscow nhận định: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng nguy cơ chính trị của Putin giờ đây thấp hơn Trump. "Putin được nhiều hơn mất vì ông không có lực lượng đối lập trong nước, một cơ quan lập pháp thù địch và không bắt đầu bị điều tra như Trump. Nhưng nếu bạn nhìn vào các phương tiện truyền thông Mỹ, họ chủ yếu tập trung vào các rủi ro tiềm ẩn. Không ai thực sự tin rằng bất cứ điều gì tốt có thể đạt được từ hội nghị thượng đỉnh này”.
Đoàn xe chở Trump xuất hiện tại sân bay quốc tế Helsinki chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh - Ảnh: Reuters