Tòa Tối cao Thái Lan tuyên bà Yingluck mức án 5 năm tù

Thứ Tư, 27/09/2017 18:56  | Anh Duy

|

(CAO) Chiều nay 27-9, BBC đưa tin Tòa án Tối cao Thái Lan ở Bangkok đã tuyên cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra 5 năm tù vì lơ là trách nhiệm giám sát chương trình trợ giá gạo cho nông dân thời bà còn đương nhiệm gây thất thoát cho kinh tế đất nước ít nhất 8 tỉ USD.

Trước đó bà Yingluck đã “biến mất” không nghe phán quyết trong phiên tòa luận tội bà vào cuối tháng 8. Có nguồn tin cho rằng bà Yingluck đã tẩu thoát sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) để sống lưu vong như người anh trai Thaksin.

Tòa cho rằng bà Yingluck biết mức giá trợ giá gạo là bất hợp lý nhưng không làm gì để ngăn chặn chương trình này lại.

Trong các phiên tòa trước bà Yingluck đã bác bỏ trách nhiệm trước vụ việc, cho rằng chính quyền quân sự xử bà vì động cơ chính trị.

Đến nay tung tích bà Yingluck vẫn chưa rõ ràng. Dư luận nghi ngờ có sự thông đồng của chính quyền giúp bà trốn đi trước phiên tòa tuyên án hôm 27-9.

Cái kết của gia tộc Shinawatra ở chính trường Thái Lan

Trước đó, cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã trốn ra nước ngoài ngay trước khi phiên tòa tuyên án bà diễn ra tại Bangkok hôm 25-8 liên quan đến chương trình trợ giá gạo.

Cuộc “đào thoát” giữa tầng tầng lớp lớp an ninh làm dấy lên nghi ngờ có sự thông đồng của chính quyền quân sự hiện tại đã “bật đèn xanh” cho bà ra đi “êm thắm”. Việc Yingluck trốn ra nước ngoài cũng đặt dấu chấm hết về ảnh hưởng chính trị của gia tộc Shinawatra vốn làm mưa làm gió trên chính trường Thái Lan qua hai đời thủ tướng là người anh Thaksin Shinawatra và người em Yingluck. Cả hai được bầu lên dân chủ từ phổ thông đầu phiếu nhưng đều bị giới tinh hoa Bangkok lật đổ bằng hai cuộc đảo chính sau đó do quân đội tiến hành.

Cựu thủ tướng Yingluck bị tuyên án 5 năm tù - Ảnh: AFP

Hôm 25-8, Tòa án Tối cao Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ bà Yingluck khi luật sư của bà thông báo bà không thể đến tòa nghe tuyên án do đang đang bị bệnh về tai. Phiên tòa này dự kiến sẽ tuyên án Yingluck án tù lên đến 10 năm với cáo buộc bà lơ là quản lý gây thất thoát hàng tỷ USD trong chương trình trợ giá gạo lúc còn tại nhiệm. Theo đó, chính quyền Yingluck đã cho thu mua lúa gạo từ nông dân với giá cao hơn thị trường rồi trữ trong các kho chứa của chính phủ. Điều này gây tồn đọng số lượng lớn lúa gạo.

Thái Lan cũng không thể xuất khẩu lượng gạo này ra thị trường quốc tế vì giá thu mua cao kéo theo giá bán cao khiến gạo Thái giai đoạn này không thể cạnh tranh với gạo từ các nước láng giềng như Campuchia hay Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định động thái thu mua này nhằm mục đích lấy lòng cử tri là nông dân ở các vùng phía bắc và đông bắc Thái Lan dồn phiếu bỏ cho đảng Pheu Thai, tạo lợi thế cho họ trong các kỳ bầu cử tiếp theo.

Ngay từ tối 25-8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan, đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết bà Yingluck đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực. Một ngày sau, hôm 26-8 Reuters dẫn nguồn tin từ các nhân vật cấp cao trong đảng Pheu Thai cho biết Yingluck đã bí mật rời Thái Lan từ trước rồi bay sang Dubai thông qua cửa ngõ Singapore. Dubai là nơi anh trai bà – cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sống lưu vong sau khi bị quân đội đảo chính.

Tờ Bangkok Post đưa tin có nhiều cung đường để bà tẩu thoát khỏi nước, trong đó nổi bật là tuyến đường từ Bangkok qua nước láng giềng Campuchia rồi từ đây bay đến Singapore, nối chuyến đi Dubai. Singapore sau đó đã bác bỏ thông tin bà Yingluck đã đến đây khiến cách thức bà đào thoát khỏi Thái Lan càng thêm bí mật.

Một người ủng hộ cầm hình bà Yingluck - Ảnh: Reuters

Ở hai đời thủ tướng Thaksin và bà Yingluck, chính quyền đã thực hiện các chính sách dân túy như chăm sóc sức khỏe toàn dân, xóa nợ, cho vay ưu đãi những doanh nghiệp khởi nghiệp và trợ giá lúa gạo cho nông dân. Chương trình trợ giá gạo sau đó đã trở thành cái cớ khiến Yingluck bị luận tội. Với các chính sách này, Đảng của nhà Shinawatra đã giành chiến thắng tất cả các cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan từ năm 2001. AFP nhận định sự ủng hộ dành cho họ vẫn còn tương đối mạnh mẽ tại khu vực nông thôn đông dân cư nhưng nghèo đói ở phía bắc Thái Lan cũng như bên trong tầng lớp lao động ở thủ đô Bangkok.

Các tầng lớp lao động nghèo khổ này sợ bị giới cầm quyền lãng quên. Trong khi đó tầng lớp trung lưu tinh hoa ở Bangkok mang tư tưởng bảo hoàng mạnh mẽ cùng sự ủng hộ của quân đội cáo buộc gia tộc này tham nhũng, gom tiền đầy túi, mua lá phiếu bằng những chính sách dân túy tốn kém.

Với việc bà Yingluck ra đi, nhà Shinawatra hiện không còn bất kỳ thành viên nào có sức ảnh hướng lớn như bà Yingluck hay ông Thaksin. Dù còn lượng người ủng hộ đông đảo, cả Thaksin và Yingluck nay đã không thể trở về để tham gia chính trị. Nhà bình luận chính trị Thái Lan Atukkit Sawangsuk nhận định: “Đây là kết thúc của gia đình Shinawatra bởi nó có nghĩa là họ đã từ bỏ".

Việc “thả cửa” cho bà Yingluck rút êm được nhiều nhà quan sát chính trị bình luận là chủ ý của chính quyền quân sự hiện tại. Vì nếu bà bị kết án 10 năm, phải ngồi tù, thì phe áo đỏ (Phong trào Mặt trận dân chủ chống độc tài liên kết chặt chẽ với đảng Pheu Thai) gồm những người ủng hộ bà và gia tộc Shinawatra sẽ không “để yên”, có khả năng gây biểu tình, bạo loạn trên diện rộng với các vụ đụng độ có thể xảy ra với phe áo vàng (Đảng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) khiến đất nước thêm lần nữa rơi vào hỗn loạn.Vì thế sự “đào thoát” của bà Yingluck xem ra đã có sự toan tính, cân nhắc từ nhiều bên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang