Mỹ chỉ cử đại diện cấp thấp tham dự hội nghị "Vành đai, con đường"

Thứ Hai, 22/04/2019 15:28  | Anh Duy

|

​(CAO) Tuần này, vào ngày 25-4 sẽ diễn ra hội nghị lần thứ 2 được tổ chức ở Trung Quốc về đại dự án “Vành đai, con đường” với sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước trên Thế giới.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc – Vương Nghị khẳng định hôm 19-4 rằng “Vành đai, con đường” là cơ chế hợp tác chứ không phải là một “công cụ chính trị” của Bắc Kinh. Ông đồng thời cũng thúc giục Mỹ và Ấn Độ tham gia vào chương trình đầy tham vọng này của chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình.

Phát biểu trong 1 buổi họp báo trước thềm hội nghị vào cuối tuần trước, ông Nghị nhấn mạnh Mỹ không nên ngăn cản các nước khác tham gia vào chương trình này, vốn là chương trình nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu và kết nối giữa các quốc gia.

Hội nghị lần 2 được tổ chức trong 3 ngày, với khoảng 40 lãnh đạo quốc gia, tăng từ 29 lãnh đạo trong hội nghị đầu tiên diễn ra trong năm 2017 đến tham dự.

Ông Nghị bác bỏ các chỉ trích rằng “Vành đai, con đường” nhằm đưa “tham vọng toàn cầu” của Trung Quốc ra thế giới, đồng thời khống chế các quốc gia tham dự bằng “bẫy tín dụng” thông qua các khoản vốn cho vay từ Bắc Kinh.

Trong hội nghị lần này có tổng thống Nga Putin, tổng thống Pakistan Imran Khan cùng lãnh đạo 10 nước ASEAN tham dự. Nhiều nước phương Tây như Ý, Áo, Thuỵ Sĩ, Pháp và một số nước Châu Phi, Trung Á cũng đến tham dự.

Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị - Ảnh: AFP

Trong khi đó Mỹ chỉ cử một đại diện cấp thấp đến tham dự trong khi Ấn Độ từ chối tham dự vì cho rằng một dự án của “Vành đai, con đường” đi qua khu vực do Pakistan kiểm soát, hiện đang có tranh chấp với Ấn Độ ở khu vực Kashmir.

Ông Nghị cho rằng trong khi cơ hội hợp tác luôn mở ra cho tất cả, các quốc gia phản đối “Vành đai, con đường” không nên tìm cách gây tác động đến chủ kiến của các quốc gia tham dự vào dự án này.

Trước đó, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ thái độ “buồn” và “thất vọng” khi Ý quyết định tham gia “Vành đai, con đường”. Đáp lại, ông Nghị cho rằng: “Tất cả các quốc gia đều tự do trong việc quyết định tham gia dự án, thế nên họ (chỉ các nước phản đối) không có quyền ngăn cản các quốc gia khác tham dựa vào”.

Kế hoạch “Vành đai, con đường” do ông Tập khởi xướng với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng từ đường sá, cảng biển đến sân bay để nối kết Trung Quốc với nhiều nơi trên thế giới từ khu vực Đông Nam Á và Trung Á qua đến Châu Âu và Châu Phi.

Hạ tầng của chương trình men theo tuyến đường Tơ lụa cũ thời Trung Đại vốn phục vụ cho các thương buôn đi từ thành Tây An (Trung Quốc) qua khu vực Trung Đông và Châu Âu để buôn bán vải vóc, các mặt hàng lụa, đặc sản Đông – Tây và ngược lại.

Dự án xây hạ tầng nối kết "Vành đai, con đường" của Trung Quốc - Ảnh: CSIS

Vành đai, con đường đang vấp phải nhiều nghi ngờ từ Mỹ và các nước phương Tây với lo ngại Bắc Kinh tạo “bẫy nợ” để các nước tham gia rơi vào vòng ảnh hưởng, kiểm soát của họ.

Với các dự án hạ tầng nằm trong khuôn khổ này, Trung Quốc cho vay vốn với mức ưu đãi. Nhưng khi vay quá nhiều, nước chủ nhà không còn khả năng chi trả do lãi suất cộng dồn với tiền gốc. Khi đó Trung Quốc sẽ bỏ tiền ra mua đứt các công trình như sân bay, cảng biển ở nước vay nợ để chiếm quyền quản lý.

Khi đó các quốc gia trở thành “nạn nhân” mất đất và các vị trí chiến lược của lãnh thổ ngay trên sân nhà vào tay Bắc Kinh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang