‘Tứ giác kim cương’ lập Vành đai, con đường đối trọng với Trung Quốc

Thứ Hai, 19/02/2018 10:38  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 19-2, tờ Australian Financial Review đưa tin 4 quốc gia gồm Úc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản (còn gọi là Tứ giác kim cương) đang thảo luận về việc thành lập chính sách kết nối hạ tầng chung trong khu vực để đối trọng với tham vọng hàng tỉ USD của chương trình Vành đai, con đường mà Trung Quốc đang khởi xướng.

Tờ báo này dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết kế hoạch này vẫn còn mới mẻ và chưa đủ “chín mùi” để công bố chính thức trong chuyến thăm tuần này đến Mỹ của thủ tướng Úc Turnbull.

Tuy nhiên người này khẳng định kế hoạch trên sẽ được bàn thảo nghiêm túc với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan chức này khẳng định “Không ai nói rằng Trung Quốc không nên xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc có thể xây dựng một cảng biển nhưng không tạo ra được năng lực kinh tế. Chúng tôi có thể khiến nó khả thi bằng cách xây dựng một con đường hoặc đường tàu kết nối với cảng biển đó”.

Tuy nhiên Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga khẳng định kế hoạch Vành đai, con đường của Tứ giác kim cương không phải dùng để đối trọng với Vành đai, con đường của Trung Quốc và việc hợp tác giữa các bên trong 4 nước trên là bình thường do các nước cùng có chung những lợi ích. 

Tham vọng kết nối hạ tầng liên lục địa Vành đai con đường của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại - Ảnh: http://investin.pk

Kế hoạch Vành đai, con đường của Trung Quốc được chủ tịch nước này – ông Tập Cận Bình công bố vào năm 2013 với tham vọng xây dựng mạng lưới hạ tầng (đường sá, cảng biển) kết nối giao thông đến hơn 60 quốc gia.

Bắc Kinh cũng dành ra khoản vốn trị giá 124 tỉ USD cho chương trình này nhằm khuếch trương ảnh hưởng bằng cách cho các nước vay vốn ưu đãi để xây dựng hạ tầng nằm trong khuôn khổ Vành đai, con đường.

Tuy nhiên nhiều quan ngại cho rằng Trung Quốc dùng vốn và sức mạnh kinh tế thông qua chương trình này để gia tăng “quyền lực mềm”, đưa các quốc gia tham dự chương trình vào tầm khống chế của mình thông qua các khoản vay nợ. Khi một nước mất khả năng chi trả các khoản nợ đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách đổi chác với chính quyền sở tại bằng cách buộc các nước này sang nhượng lại những lợi ích khác để "trả nợ" cho Bắc Kinh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang