Mỹ tung gói đầu tư đối phó chính sách “Vành đai, con đường” của Trung Quốc

Thứ Ba, 31/07/2018 14:51  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 31-7, CNN đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo gói đầu tư mới của Mỹ trị giá 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong đó bao gồm 25 triệu USD đầu tư vào việc thúc đẩy kết nối kỹ thuật số, 50 triệu USD đầu tư vào các dự án năng lượng trong vùng.

Trong khi đó 30 triệu USD còn lại để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Phát biểu tại một diễn đàn do Phòng thương mại Mỹ tổ chức, ông Pompeo cho biết gói đầu tư này thể hiện cam kết của Mỹ ở khu vực với chính sách tự do và mở cửa. Có thể xem đây là hành động đối trọng với chính sách “Vành đai, con đường” được Trung Quốc ráo riết triển khai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thời gian qua với việc cho vay tín dụng và đầu tư xây hạ tầng điện – đường - sân bay – cảng biển nhằm kết nối giao thông ở khu vực này.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Với các công ty Mỹ, công dân trên khắp toàn cầu đều biết rằng những gì bạn thấy là những gì bạn có thể có được khi làm ăn với chúng tôi: Những hợp đồng trung thực, các điều khoản rõ ràng…”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo gói đầu tư vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - Ảnh: Getty

Ông cũng nhấn mạnh đến tính minh bạch của các dự án do Mỹ làm chủ thầu: “Đối với chúng tôi, Đạo luật thực hành chống tham nhũng hải ngoại không chỉ là một đạo luật, đó còn là một điểm đáng tự hào. Tính toàn vẹn trong hoạt động kinh doanh là một trụ cột quan trọng trong tầm nhìn kinh tế Ấn Độ -Thái Bình Dương của chúng tôi". 

CNN ghi nhận trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump thường đề cập đến Trung Quốc như một đối thủ cạnh trạnh, ông Pompeo thường tránh xem Trung Quốc như một điển hình để dẫn chứng. Trong khi đó ông luôn đề cao các công ty Mỹ là đối tác tốt hơn đối với các quốc gia khi muốn tìm kiếm đầu tư từ nước ngoài.

Tờ Finanical Times nhận định tiềm năng hợp tác của chương trình Vành đai, con đường có được thực hiện hay không phụ thuộc phần lớn vào các mục tiêu của Trung Quốc, và liệu Bắc Kinh có “theo” đến cùng với việc đặt ra các kỷ luật cho chương trình hay không. Sáng kiến này giúp Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn so với đầu tư vào các dự án trong nước. Tuy nhiên lo lắng cũng đi kèm khi nó cũng mở “đường” cho Trung Quốc xuất khẩu những mặt tồi tệ nhất của nền kinh tế ra nước ngoài, đồng thời gia tăng những căng thẳng đối với hệ thống tài chính.

Với sự thành công của đà phát triển kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, nước này đang đối mặt với gánh nặng bởi việc phân bổ vốn không hiệu quả, điều hay xảy ra ở một nền kinh tế chiếm ưu thế bởi các doanh nghiệp nhà nước, và sự dư thừa (sản phẩm) trong nhiều ngành.

Bản đồ các tuyến kết nối trong chương trình "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc - Ảnh: Đồ họa CNN​

Trung Quốc có thể chỉ chủ yếu quan tâm đến việc chuyển hướng thặng dư, xuất khẩu sản phẩm dư thừa ra nước ngoài và cho các công ty xây dựng của mình ra nước ngoài làm việc. Nếu điều đó xảy ra, các dự án được xây dựng có thể không phải là những gì mà các nước tiếp nhận thật sự cần. Như vậy, họ sẽ không tạo ra được doanh thu dự kiến. Các khoản vay trả lại (vay từ Trung Quốc) họ sẽ không có khả năng chi trả, làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của nước chủ nhà và khiến các khoản tín dụng xấu làm tắc nghẽn hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Những rủi ro này sẽ kết hợp với mức độ 'Con đường Tơ lụa' mới có khả năng trở thành công cụ để Trung Quốc làm sâu sắc thêm quyền bá chủ chính trị của mình trong khu vực. Nếu các khoản vay giả rẻ được sử dụng như những khoản tiền để trả cho vai trò lãnh đạo khu vực của Trung Quốc, các khoản vay này thậm chí còn ít có khả năng được sử dụng hiệu quả hơn (như mục tiêu ban đầu là xây dựng hạ tầng để kết nối khu vực).

Nhiều quốc gia có thể bị cản trở để vay tiền, thậm chí cả lúc họ cần, khi có quá nhiều ràng buộc. Thật vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt đồng đầu tư “Vành đai, Con đường” ở nước ngoài đang giảm. Giữa mặt tốt và mặt xấu, chính sách này của Trung Quốc vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang