(CAO) Ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump trong thông điệp liên bang tiết lộ Việt Nam sẽ là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết phân tích nguyên nhân vì sao nước ta là địa điểm thích hợp được chọn.
AFP trong bài viết “Vì sao Việt Nam được chọn cho thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2” đưa ra nguyên nhân chính yếu sau:
Đầu tiên, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với cả Mỹ và Triều Tiên. Cũng giống như Triều Tiên, Việt Nam từng bị cuốn vào một cuộc chiến đẫm máu và cay đắng với Mỹ. Nhưng không giống như Bình Nhưỡng, Hà Nội ngày nay đang có quan hệ tốt đẹp với Mỹ, đứng dậy từ sự tàn phá của chiến tranh để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á và là một trong những nước am hiểu ngoại giao nhất.
Việt Nam có vị trí địa lý đủ gần để chuyên cơ chở nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên có thể bay đến.
Việt Nam cũng là nơi có cả sứ quán Triều Tiên và Mỹ, tạo điều kiện cho các cuộc gặp trước đó của quan chức hai nước để bàn thảo về việc tiến hành hội nghị.
Ngoài ra vì có quan hệ tốt đẹp với cả 2 nước Mỹ - Triều, Việt Nam được xem là một quốc gia “trung lập”, khác với tiểu bang Hawaii của Mỹ, trước đó cũng được đồn đoán là địa điểm tổ chức hội nghị lần này.
Việt Nam được nhận định là địa điểm hợp lý để tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 - Ảnh: CNN
An ninh Việt Nam được đảm bảo để tổ chức một sự kiện được thế giới theo dõi sát sao.
Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được thiết lập từ năm 1950 và Triều Tiên từng gửi quân nhân thuộc lực lượng không quân đến Miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Lần cuối cùng, nhà lãnh đạo Triều Tiên – Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm Việt Nam là vào năm 1958. Từ đó đến nay quan chức cấp cao giữa hai nước đã nhiều lần viếng thăm lẫn nhau.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong Un đến Việt Nam, nhưng đó cũng là cơ hội cho ông Kim học hỏi tiến trình cải cách kinh tế thời hậu chiến của Việt Nam.
AFP dẫn lời chuyên gia về Việt Nam – Lê Hồng Hiệp, đến từ viện nghiên cứu Singapore's ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định: “Ông Kim có thể sẽ quan tâm đến mô hình của Việt Nam khi thấy chính câu chuyện phát triển của Việt Nam dành cho mình. Đó có thể là nguồn cảm hứng cho ông ấy và là tấm gương phản chiếu để ông suy nghĩ về cách thức mình có thể làm để đưa Triều Tiên tiến về phía trước”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong cuộc gặp tại Phủ chủ tịch (Hà Nội) ngày 12-11-2017 - Ảnh: AP
Về phía Mỹ, Việt Nam là một địa điểm chiến lược nơi Mỹ có thể cho Triều Tiên thấy về một câu chuyện thành công về kinh tế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái từng nhấn mạnh: “Phép màu của Việt Nam có thể diễn ra ở Triều Tiên”.
Bên cạnh đó, Việt Nam từng có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện ngoại giao lớn như Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 2018.
Theo ông Vũ Minh Khương, một nhà phân tích chính sách đến từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) thì việc trở thành địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể giúp Việt Nam tăng cường vị thế trên trường quốc tế, giúp đất nước trở thành điểm đến nổi bật, thu hút du lịch và đầu tư nước ngoài.
Theo AFP, Anh Duy lược dịch