(CAO) Hôm 8-2, Reuters đưa tin lực lượng cứu hộ của Ấn Độ vẫn đang tổ chức tìm kiếm hơn 200 người mất tích trên dãy Himalaya, bao gồm một số người bị mắc kẹt sau khi một phần của sông băng bị vỡ tạo ra dòng lũ cuốn mọi thứ, kể cả các con đập xuống một thung lũng trên núi.
Trước đó nước dâng dữ dội hôm 7-2 dưới chân Nanda Devi, đỉnh núi cao thứ hai của Ấn Độ đã cuốn trôi dự án thủy điện Rishiganga có quy mô nhỏ và làm hỏng một công trình lớn hơn nữa ở phía dưới sông Dhauliganga do công ty nhà nước NTPC xây dựng.
Các quan chức cho biết 18 thi thể đã được trục vớt từ các sườn núi. Hầu hết những người mất tích là những người làm việc trong hai dự án, một phần trong số nhiều dự án thủy điện mà chính phủ đang xây dựng sâu trong vùng núi của bang Uttarakhand như một phần của kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thủ hiến bang này, Trivendra Singh Rawat cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 203 người đang mất tích và con số đang thay đổi khi có thêm thông tin về những người mắc phải trận đại hồng thủy xuất hiện ở khu vực hẻo lánh”.
Các video lan truyền mtrên mạng xã hội cho thấy nước dâng qua một đập nhỏ, cuốn trôi các thiết bị xây dựng và làm sập những cây cầu nhỏ.
“Mọi thứ đều bị cuốn trôi, con người, gia súc và cây cối” - Sangram Singh Rawat, cựu thành viên hội đồng làng Raini, địa điểm nằm gần với dự án Rishiganga nhất, nói với truyền thông địa phương.
Dòng nước lũ khi sông băng vỡ ra ngày 7-2 - Ảnh: Reuters
Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã khiến sông băng vỡ tung vào sáng 7-2. Các chuyên gia cho biết tuần trước tuyết rơi dày ở khu vực Nanda Devi và có thể một số bang tuyết bắt đầu tan và có thể đã dẫn đến một trận tuyết lở.
Ashok Kumar, cảnh sát trưởng của bang cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng mở thông đường hầm, nó dài khoảng 2,5 km”. Ông cho biết lực lượng cứu hộ đã đào được 150 mét vào đường hầm nhưng các mảnh vỡ và bùn đất đang làm chậm tiến độ.
Một quan chức khác cho biết vẫn chưa liên lạc được với bất kỳ ai trong đường hầm. Các thiết bị hạng nặng đã được sử dụng và sử dụng chó nghiệp vụ để xác định địa điểm những người sống sót.
Bang Uttarakhand thường xảy ra lũ quét và sạt lở đất nên từ nhiều năm qua các nhóm vận động môi trường đã kêu gọi xem xét lại các dự án thuỷ điện ở vùng này. Vào tháng 6-2013, những trận mưa kỷ lục ở bang này từng gây ra lũ lụt kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người.
Một nhóm các nhà khoa học đã bay qua địa điểm xảy ra vụ tai nạn vào ngày 8-2 để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra.
“Đây là một sự cố rất hiếm khi xảy ra. Các hình ảnh vệ tinh và Google Earth không cho thấy hồ băng gần khu vực, nhưng có khả năng có một túi nước trong khu vực đã vỡ ra” - Mohd Farooq Azam, trợ lý giáo sư nghiên cứu về băng và thủy văn tại Viện Công nghệ Ấn Độ ở Indore cho biết .
Túi nước là những hồ bên trong sông băng, có thể đã vỡ ra dẫn đến sự kiện này. Các nhóm môi trường đã đổ lỗi cho hoạt động xây dựng trên núi.
Himanshu Thakkar, điều phối viên của Mạng lưới Đập, Sông và Con người Nam Á nói rằng đã có những khuyến nghị rõ ràng của chính phủ về việc sử dụng chất nổ cho mục đích xây dựng. "Đã có vi phạm" – người này nói.
Vụ tai nạn mới nhất cũng đặt ra câu hỏi về sự an toàn của các con đập. “Các con đập phải chịu được lực nước lớn hơn nhiều. Đây không phải là một trận lụt do gió mùa, nó có quy mô nhỏ hơn nhiều (thế nhưng đập đã vỡ)” – Thakkar nhận định.
(CAO) Hôm 7-2, Reuters đưa tin khoảng 150 người được cho là đã
thiệt mạng ở miền bắc Ấn Độ sau khi một sông băng ở dãy Himalaya vỡ tạo ra dòng lũ cuốn trôi một con đập vào sáng sớm cùng ngày.