(CAO) Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết ông sẽ dẫn dắt Hàn Quốc tiến tới một “kỷ nguyên không hạt nhân” sau những lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.
Ông Moon Jae In, đã thề sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào điện hạt nhân tại Hàn Quốc và cảnh báo về "Những hậu quả không thể tưởng tượng được" tương tự như thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ tăng vai trò của năng lượng tái tạo và đưa Hàn Quốc tiến tới một "kỷ nguyên không hạt nhân".
Phát biểu tại sự kiện đánh dấu việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất của Hàn Quốc Kori-1, ông Moon nói: "Cho đến nay, chính sách năng lượng của Hàn Quốc là theo đuổi giá rẻ và hiệu quả. Giá sản xuất rẻ được coi là ưu tiên trong khi cuộc sống và an toàn của người dân thì bị bỏ lại phía sau, giờ đây đã đến lúc thay đổi”.
"Chúng ta sẽ hủy bỏ chính sách năng lượng chú trọng vào hạt nhân và tiến tới một kỷ nguyên không hạt nhân, đồng thời sẽ hoàn toàn loại bỏ những kế hoạch xây dựng cho các lò phản ứng hạt nhân mới đang được tiến hành”, ông Moon cho biết.
Tổng thống Hàn Quốc cũng nói thêm rằng ông sẽ không mở rộng hoạt động của các lò phản ứng lâu năm và sẽ nhanh chóng chấm dứt hoạt động của nhiều nhà máy điện hạt nhân trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2030.
Tuy nhiên, việc giảm năng lượng hạt nhân tại Hàn Quốc có thể kéo dài hàng thập kỷ và dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối từ các công ty xây dựng cũng như một số công ty năng lượng vốn đã đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ dưới thời những Tổng thống trước.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association), vào năm ngoái Hàn Quốc là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ năm thế giới với 25 lò phản ứng chiếm khoảng 1/3 điện năng.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng cho rằng hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch quan trọng. Còn dưới thời của mình, cựu tổng thống Park Geun-hye muốn tăng số lò phản ứng hạt nhân lên 36 vào năm 2029.
Tổng thống Moon Jae In tại sự kiện đánh dấu việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Kori-1. Ảnh: The Guardian
Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae In thừa nhận vai trò của điện hạt nhân trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc, nhưng cũng cần phải nhớ thảm họa Fukushima của Nhật Bản đã khiến hàng chục ngàn người dân phải di tản.
Từ đó, ông Moon đã quyết định Hàn Quốc phải tìm kiếm và sử dụng các nguồn năng lượng mới. "Tình hình kinh tế của đất nước đã thay đổi, nhận thức về tầm quan trọng của môi trường cũng đã khác trước. Quan điểm cho rằng sự an toàn và cuộc sống của người dân quan trọng hơn bất cứ điều gì khác đã trở thành sự thống nhất chung của xã hội", ông Moon nói.
Các nhà vận động chống lại hạt nhân từ lâu đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng tại một nhà máy hạt nhân ở Hàn Quốc, nơi có nhiều lò phản ứng gần các khu vực đông dân cư.
Sự ủng hộ của người dân đối với điện hạt nhân đã giảm dần kể từ cuộc khủng hoảng năm 2011 tại Fukushima và vụ bê bối tham nhũng trong vụ giấy chứng nhận an toàn giả mạo cho các bộ phận của lò phản ứng vào năm 2013.
"Thảm họa hạt nhân Fukushima đã chứng minh rõ rằng các lò phản ứng hạt nhân không an toàn, không tiết kiệm và không thân thiện với môi trường. Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ động đất và một vụ tai nạn hạt nhân gây ra bởi trận động đất có thể sẽ tàn phá và dẫn đến hậu quả tương tự”, hãng tin Yonhap dẫn lời ông Moon Jae In.
Ông Moon cũng dự kiến sẽ đóng cửa ít nhất 10 nhà máy nhiệt điện đốt than đã cũ trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022 và để tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên đến 20% vào năm 2030.