(CAO) Hôm 12-9, Reuters đưa tin chính quyền Trung Quốc và Malaysia đã đồng thuận thiết lập một cơ chế đối thoại chung về những tranh chấp trên biển giữa hai nước.
Thông tin này được một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tiết lộ sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Malaysia.
Giới quan sát quốc tế nhận định Malaysia trước nay có vị trí trọng yếu ở Biển Đông nhưng họ thường ít khi lên tiếng phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở vùng biển này, vì Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD tiền đầu tư vào các dự án hạ tầng ở nước này thông qua chương trình "Vành đai – Con đường".
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia - Mohamad Sabu còn nói với Reuters rằng nước này thường phát hiện các tàu hải quân và tuần duyên của Trung Quốc đi vào vùng nước chủ quyền của họ nhưng “Trung Quốc đã tôn trọng Malaysia và không làm bất kỳ điều gì gây hấn, gây rắc rối".
Ngoại trưởng hai nước Trung Quốc - Malaysia trong cuộc họp báo ngày 12-9 - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Ngoại trưởng Malaysia – Abdullah thậm chí còn đi xa hơn khi gọi Ngoại trưởng Trung Quốc – Vương Nghị là “người anh em của tôi”. Ông cho biết: “Các quan chức của chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết (về việc thiết lập cơ chế đối thoại chung), nhưng tôi nghĩ kết quả này là quan trọng trong bối cảnh hai nước tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao”.
Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là chủ nợ lớn nhất của Malaysia. Hai nước cũng có mối quan hệ văn hoá gắn kết với nhau.
Hồi tháng 7, Trung Quốc và Malaysia nối lại dự án xây dựng tuyến đường sắt ở miền bắc Malaysia, một phần trong dự án “Vành đai – Con đường”.
Ở Biển Đông, từ tháng 6 đến nay tàu Trung Quốc liên tục cản trở hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Tuy nhiên Malaysia ít đưa ra phản ứng phản đối mạnh mẽ.
(CAO) Hôm 11-9, Reuters dẫn lời tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đã đề xuất việc sẽ chia cổ phần theo tỷ lệ cho Manila kiểm soát trong một công ty liên doanh về năng lượng, khai thác dầu khí ở Biển Đông với điều kiện Philippines phải bác bỏ phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye.