(CAO) Hôm 7-3, BBC đưa tin Úc và Đông Timor đã ký hiệp ước phân chia biên giới trên biển vĩnh viễn, chấm dứt tranh chấp dai dẳng giữa hai nước láng giềng suốt một thập kỷ qua trên vùng biển nhiều tài nguyên.
Hiệp ước đem đến nhiều lợi ích kinh tế cho cả 2 nước, trong đó Đông Timor là nước kém phát triển hơn nhờ vào hiệp định này sẽ có không gian hàng hải ổn định để phát triển.
Từ khi Đông Timor tách ra độc lập khỏi Indonesia vào năm 2002, chưa có đường biên giới biển nào được thiết lập giữa “nước lớn” Úc với quốc gia mới thành lập này. Cả hai chỉ mới đồng ý đường biên giới tạm thời.
Đông Timor cho rằng bị Úc “xử ép” nhằm chiếm quyền tiếp cận tài nguyên dầu hoả ước tính lên đến hàng chục tỷ USD ở vùng biển này.
Biên giới mới trên biển (màu xanh) giữa Úc và Đông Timor - Ảnh: chính phủ Úc
Năm 2016, Đông Timor đưa tranh chấp ra toà Trọng tài thường trực ở La Haye phân xử dựa trên Công ước Luên Hiệp quốc về Luật biển. Tuần trước Toà đã đưa ra phán quyết cuối cùng, theo đó đường biên trên biển là trung tuyến khoảng cách giữa hai quốc gia.
Theo thoả thuận mới, Đông Timor nhận ít nhất 70% của mẻ dầu lớn nhất Greater Sunrise giá trị ước tính lên đến 40 tỷ USD. Nước này sẽ khai thác để lấy tiền phát triển kinh tế.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã hoan nghênh quyết định phân chia này của Toà. Tại Đông Timor, chính quyền nước này cũng hoan nghênh phán quyết.
Tuân theo phán quyết của Toà quốc tế, cả hai nước đều được hưởng lợi lâu dài.