(CATP) Đây là một trong những câu hỏi hóc búa nhất của đại dịch Covid-19. Hầu hết các nền kinh tế phát triển hiện có tỉ lệ tiêm chủng cao với một số loại vắc-xin đạt hiệu quả cao nhất, nhưng không rõ vì sao các đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở một số quốc gia lại gây tử vong nhiều hơn những nước khác, dù trên thực tế rõ ràng việc tiêm vắc-xin đã giúp giảm tỉ lệ tử vong trong các đợt bùng phát biến thể Delta gần đây nhất so với những làn sóng lây nhiễm trước đó?
Các quốc gia Đức, Đan Mạch, Anh đã chứng kiến tỉ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 giảm xuống khoảng 1/10 so với mức đỉnh trước đó, theo tính toán của Bloomberg sử dụng dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins. Ở Israel, Hy Lạp và Mỹ, số người tử vong đã giảm nhưng vẫn còn hơn một nửa so với các đỉnh trước. Một số quốc gia - hầu hết là những nước đang phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hơn - chủ yếu dựa vào các vắc-xin của Trung Quốc hoặc Nga từng chứng kiến sự gia tăng cả về số ca nhiễm và tử vong kể từ tháng 7, khi chủng Delta bắt đầu tàn phá toàn cầu, so với những đợt bùng phát xảy ra trước khi tiêm chủng rộng rãi trở thành sự lựa chọn. Tập trung vào các nền kinh tế đã tiêm ngừa cho hơn 55% dân số và dựa vào sự kết hợp các mũi tiêm từ Pfizer-BioNTech tới AstraZeneca, có một điều rõ ràng là không chỉ loại vắc-xin hay tỉ lệ tiêm chủng mới giúp làm giảm số ca tử vong.
Theo Phó giáo sư về thống kê sinh học Natalie Dean của Đại học Emory: "Có nhiều yếu tố, ngoài việc tiêm chủng, đã góp phần tạo ra kết quả khác nhau giữa các địa điểm. Ngay cả ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao, chúng ta vẫn chứng kiến chủng Delta có thể khiến số ca nhiễm gia tăng đột biến". Thật vậy, dữ liệu chỉ là lát cắt nhanh về thời gian, không có gì đảm bảo rằng cho đến nay, các quốc gia với tỉ lệ tử vong thấp có thể duy trì được xu hướng đó. Nhưng nhiều bài học đã được rút ra từ chương trình tiêm chủng toàn cầu tham vọng và lớn nhất trong lịch sử. Tiến sĩ John Wherry - Giám đốc Viện miễn dịch học thuộc Đại học Pennsylvania - cho biết: "Chúng tôi đã học được nhiều trong 1 năm rưỡi qua về miễn dịch học và các phản ứng của con người đối với vắc-xin so với những gì chúng tôi đã học được trong vài thập kỷ trước đó”.
Một số nơi chứng kiến tỉ lệ tử vong thấp hơn đã sắp xếp 2 mũi tiêm cách nhau từ 3-4 tuần so với khoảng cách thường được áp dụng trên thế giới. Gây tranh cãi vào thời điểm đó, quyết định của Anh vào tháng 12 năm ngoái cho phép kéo dài khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca tới 12 tuần để nhiều người hơn có thể được tiêm mũi đầu tiên giờ đã được các nhà khoa học xác nhận là cung cấp khả năng bảo vệ mạnh hơn. Đức và Đan Mạch cũng chấp thuận thời gian trì hoãn mũi tiêm thứ 2 dài hơn, cho phép tối đa 12 tuần giữa 2 liều AstraZeneca ở Đức và 6 tuần đối với vắc-xin Pfizer-BioNTech ở Đan Mạch.
Hàng người chờ tiêm phòng Covid-19 tại Trung tâm chủng ngừa Arena Treptow ở Berlin, Đức hôm 9-8-2021. Ảnh: Reuters
Hiệu quả kết hợp của 2 mũi tiêm dường như mạnh hơn khi mũi thứ 2 được tiêm sau khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng đầy đủ với mũi tiêm thứ nhất - điều này phải mất hơn 1 tháng; tiếp đó có sự tác động lẫn nhau giữa các chiến dịch tiêm chủng và biến thể Delta với khả năng lây truyền cao. Đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào năm ngoái, biến thể này đã tàn phá quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vào mùa xuân của Bắc bán cầu trước khi thâm nhập vào các nền kinh tế phát triển vào khoảng giữa năm. Nghiên cứu giờ xác nhận rằng 2 nhóm người đã nhiễm biến thể Delta, nhóm đã tiêm vắc-xin 5 tháng trước đó có tỉ lệ nhiễm Covid-19 đột phá với triệu chứng cao hơn 50%. Điều này đã xuất hiện ở Israel và Mỹ, 2 quốc gia đã triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Các nhà khoa học giờ cho rằng, điều này là do hệ miễn dịch của người đã tiêm chủng lâu hơn bắt đầu yếu đi.
Thêm yếu tố nữa là độ tuổi ưu tiên chích ngừa. Đan Mạch không chứng kiến làn sóng lây nhiễm hay tử vong mới kể từ khi việc tiêm chủng bắt đầu vào năm nay và nước này hiện đã dỡ bỏ mọi hạn chế Covid-19. Theo các quan chức, việc tập trung vào tiêm phòng cho người cao tuổi trước tiên đã giúp giảm thiểu số người tử vong. Tỉ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày, chưa bao giờ vượt quá 36 ca vào thời điểm trước các đợt tiêm chủng, đã giảm 9% so với mức cao nhất trước đó sau khi tiêm chủng.
Phạm Hồng (theo Bloomberg, ST)