(CATP) Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án nhân dân (TAND) TP.Long Khánh tuyên phạt Chềnh A Sy (SN 1978, ngụ Hồng Thập Tự, KP5, P.Xuân Bình, TP.Long Khánh, Đồng Nai) 4 năm 6 tháng tù và Đỗ Lai Hồng Phước (SN 1997, ngụ ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) 2 năm tù giam về tội "cố ý gây thương tích". Bị "xử hội đồng" với thương tích đến 60%, bị hại Nguyễn Anh Đức (SN 1972, trú tổ 1, KP5, P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) kháng cáo tăng hình phạt nhưng bị bác đơn. Ngược lại, tòa phúc thẩm "thương", cho 1 trong 2 bị cáo được hưởng án treo, khiến bị hại bức xúc.
Từ sơ thẩm "nương tay"…
Theo Bản án sơ thẩm số 37/2021/HS-ST ngày 20-4-2021 của TAND TP.Long Khánh, khoảng 19 giờ 30 ngày 23-2-2020, bị cáo Phước lái xe máy chở Chềnh Nhật Linh (SN 2000, con bị cáo Sy) về nhà của Linh, sát nhà ông Đức tại tổ 1, KP 5, P.Xuân Bình. Do nghi ngờ ông Đức "tè bậy" trước cửa nhà Linh nên giữa Phước và ông Đức xảy ra cự cãi nhau.
Thấy vậy, Linh gọi điện thoại cho bị cáo Sy về nhà giải quyết. Khoảng 20 giờ, Sy về đến nhà thì thấy Phước và ông Đức đang cự cãi nhau, liền chạy vào nhà lấy cây gậy bằng gỗ dài khoảng 3m. Bị hại Đức cũng chạy vào nhà lấy cây xỉa bằng sắt dài 1,5m và cây rựa đưa cho Trần Văn Minh (SN 1986, ngụ xã Tiền Phong, H.Yên Dũng, Bắc Giang, bạn của ông Đức).
Sy dùng gậy gỗ, Minh cầm cây rựa xông vào đánh làm cây rựa và cây gỗ đều bị gãy (cây rựa gãy phần lưỡi sắt). Sy ném phần cây gỗ còn lại về phía Minh làm anh này bị thương nhẹ ở cánh tay rồi bỏ chạy qua bên kia đường thì bị trượt chân ngã xuống đất.
Vết thương chí mạng trên đầu bị hại
Ông Đức cầm cây xỉa chạy đến đâm Sy trúng cánh tay phải chảy máu. Sy đứng dậy chụp lấy cây xỉa và giằng co với bị hại. Minh cầm cái chén bằng sứ ném về phía ông Đức và Sy nhưng không trúng. Sy tước được cây xỉa, hất ông Đức ngã xuống đất, sau đó Sy và Phước cùng xông vào "xử" bị hại. Phước cầm khúc cây dài 55cm đánh vào người ông Đức 2 cái; Sy cầm cây xỉa đánh vào vùng đầu ông Đức gây chảy máu. Phước tiếp tục xông vào đánh bị hại bằng chân, ông Đức vùng dậy bỏ chạy vào trong nhà. Phước đuổi theo đến giữa đường thì dừng lại. Sau đó, Công an P.Xuân Bình đến giải quyết vụ việc và đưa ông Đức đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
Theo dõi vụ án, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu quan điểm: Với nhiều vết thương vùng đầu và mặt (lún sọ trán, tràn hốc mắt trái, nứt sọ trán thái dương, gãy thành xoang trán, gãy thành ngoài ổ mắt...); vùng ngực (gãy xương sườn) thể hiện sự tấn công liên tục bằng hung khí vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể của bị hại, có thể dẫn đến chết người. Cả hai cấp tòa quy kết tội "cố ý gây thương tích" là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi của 2 bị cáo đã gây ra. Do đó, việc bị hại đề nghị xem xét lại vụ án có dấu hiệu của tội "giết người" là có căn cứ.
Theo kết luận giám định số 0201/TgT/2020 ngày 24-3-2020 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai, ông Đức bị 4 vết thương rất nguy hiểm: Lún sọ trán, tràn hốc mắt trái (tỷ lệ thương tật 25%); nứt sọ trán thái dương bên trái (15%); gãy thành xoang trán trái (7%); gãy thành ngoài ổ mắt trái (7%). Ngoài ra còn nhiều vết thương khác như gãy xương sườn số 9 và số 10 bên trái (4%); vết thương vùng trán trái (6%); tổn thương máu tụ ngoài màng cứng (8%)... Cộng chung, ông Đức chịu tỷ lệ thương tật là 60%.
Với tỷ lệ thương tật như thế nhưng TAND TP.Long Khánh với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Đồng Thị Hương ngồi ghế chủ tọa, tuyên phạt bị cáo Sy 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Phước 2 năm tù giam về tội "cố ý gây thương tích".
… Đến phúc thẩm "làm mới" chứng cứ (?!)
Sau khi án tuyên, bị cáo Sy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phước xin được hưởng án treo. Trong khi đó, bị hại Đức kháng cáo đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì hai bị cáo có dấu hiệu của tội "giết người".
TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa phúc thẩm ngày 28-12-2021 với HĐXX gồm 3 thẩm phán Lê Hồng Hương (chủ tọa), Bùi Kim Rết và Hoàng Thị Thu Minh. Bị hại Đức đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng còn có đồng phạm khác trong vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bảo vệ cho bị hại, Luật sư (LS) Bùi Quang Vui (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội "giết người" và vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. LS đề nghị HĐXX xem xét hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại theo quy định của pháp luật.
Ông Đức bên hồ sơ kêu cứu và đề nghị giám đốc thẩm vụ án
HĐXX giữ nguyên mức án 4 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Sy; giảm nhẹ đến mức thấp nhất cho Phước, tuyên phạt bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo.
HĐXX phúc thẩm nhận định: "Nguyên nhân dẫn đến vụ án là do người bị hại có hành vi thiếu văn minh, đã tiểu tiện trước nhà bị cáo Sy, khi bị phát hiện và nhắc nhở lại còn hung hăng chửi bới dẫn đến đánh nhau. Lỗi ban đầu từ phía người bị hại...".
Trong đơn kêu cứu và khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, bị hại Đức chỉ ra 4 điểm bất thường của HĐXX phúc thẩm cùng với Bản án phúc thẩm số 323/2021/HS-PT ngày 28-12-2021.
Thứ nhất, hồ sơ vụ án bản án sơ thẩm đều xác định rõ: Do nghi ngờ bị hại "tiểu tiện" trước cửa nhà Sy nên Phước lên tiếng trước, dẫn đến cự cãi nhau. Như vậy, bị cáo Phước chỉ "nghi ngờ", không tận mắt nhìn thấy bị hại "tè bậy". Bị hại thì cho rằng mình bị vu khống. Do đó, việc HĐXX quy kết nguyên nhân dẫn đến vụ án do bị hại "thiếu văn minh" và lỗi ban đầu từ phía bị hại là suy diễn, thiếu căn cứ vững chắc. Thực tế, chính bị cáo Sy khi thấy Phước và ông Đức đang cự cãi nhau liền chạy vào nhà lấy cây gậy gỗ. Theo camera ghi lại, Sy là người dùng hung khí tấn công bị hại trước, thể hiện tính côn đồ.
Hai bị cáo Sy - Phước tại phiên tòa sơ thẩm
Thứ hai, sau khi Sy hất ông Đức ngã xuống đất, bị hại không còn khả năng tự vệ nhưng Sy dùng cây xỉa nhọn là hung khí nguy hiểm, tấn công liên tiếp vào vùng đầu và ngực với những vết thương chí mạng. Đây rõ ràng là hành vi cố sát, việc bị hại thoát chết là ngoài ý muốn của bị cáo Sy. Đối với bị cáo Phước, là người gây hấn đầu tiên, tham gia đánh bị hại bằng khúc cây dài hơn nửa mét, dùng chân đạp bị hại... Nhưng cả hai bản án đều xác định bị cáo Phước đóng vai trò "thứ yếu". Bị cáo này được cả hai cấp tòa "thương" đến mức, xác định "đánh bị hại bằng... chân" rồi cho hưởng án treo nhẹ nhàng.
Thứ ba, với 60% thương tích của bị hại, cả hai cấp tòa đều chưa làm rõ, từng vết thương cụ thể và tỷ lệ thương tật do bị cáo nào gây ra, để lấy làm căn cứ buộc tội 2 bị cáo và tuyên mức án tương xứng.
Thứ tư, ngoài 2 bị cáo Sy - Phước, vụ án còn có nhiều người liên quan nhưng chưa được HĐXX của cả hai cấp tòa làm rõ.
Từ những điểm bất thường nêu trên, bị hại Đức đã có đơn kêu cứu, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét lại toàn diện vụ án, làm rõ bản chất, hành vi phạm tội của các bị cáo, có bản án công tâm, khách quan, tránh bỏ sót người, lọt tội.