Đường dây mua bán hơn 6,2 triệu dữ liệu cá nhân được đánh sập như thế nào?

Thứ Ba, 18/01/2022 15:23  | Hoàng Quân

|

(CAO) Gần một năm đấu tranh với ổ nhóm mua bán hơn 6,2 triệu dữ liệu cá nhân, Phòng An ninh mạng Công an Thừa Thiên Huế phải đối mặt với nhiều cam go, thử thách trong tình hình dịch bệnh phức tạp…

Từ dấu hiệu đáng ngờ trên mạng

Như Báo Công an TPHCM đã thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ khởi tố bị can và bắt giữ các đối tượng về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, gồm: Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1987; ngụ Thái Nguyên), Lê Đất (SN 1988), Thái Thị Oanh (SN 1999), Ngô Thị Hồng Nhung (SN 1998), Nguyễn Thanh Quý (SN 1984) và Ngô Thị Hồng Nhung (SN 1998, cùng ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế).

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng.

Từ những tháng đầu năm 2021, Phòng ANM&PCTPSDCNC phát hiện trang Facebook “Group mua bán data mới 2020” với khoảng 300 thành viên, hoạt động nghi vấn mua, bán, trao đổi dữ liệu thông tin cá nhân, giao dịch qua mạng Zalo, Messenger và chuyển tiền qua ngân hàng.

Sau gần một năm đấu tranh, khi có đầy đủ tư liệu, chứng cứ, đầu năm 2022, Ban chuyên án đồng loạt tấn công ổ tội phạm này, bắt giữ các đối tượng; thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng, tiền mặt, phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Theo điều tra, từ tháng 8-2020, nhóm trên tìm nguồn mua dữ liệu cá nhân để bán. Lê Đất là người quản lý nhóm, tìm kiếm nguồn cung cấp dữ liệu sau đó mua lại rồi bán. Từ tháng 11-2020 đến lúc bị bắt, Đất và đồng bọn mua và quản lý 6,2 triệu thông tin dữ liệu cá nhân trên cả nước. Các đối tượng đã giao dịch hơn 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2,3 tỷ đồng.

Trang cung cấp dữ liệu chính cho Lê Đất với tổng số dữ liệu khoảng 1 triệu thông tin cá nhân, bình quân từ 7.000 đến 10.000 dữ liệu/ngày. Trang hoạt động tại trung tâm cung cấp tài chính, huy động vốn Finance của Nguyễn Thị Huyền Trang ở số nhà 16 ngõ 273 Thống Nhất (P.Gia Sàng, TP.Thái Nguyên).

Tuổi trẻ nhưng dày "thành tích"

Trung tá Nguyễn Văn Tuấn – Phó Trưởng Phòng ANM&PCTPSDCNC Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, các đối tượng đăng tải các nội dung quảng cáo mua bán dữ liệu cá nhân trên các hội nhóm trên mạng và trực tiếp giao dịch với người có nhu cầu.

Qúy, Nhung, Oanh lọc, sắp xếp các nguồn dữ liệu, kiểm tra tình trạng của các tài khoản đã mua và đăng quảng cáo. Nhóm này còn sử dụng tài khoản truy cập trái phép vào mạng riêng ảo nội bộ của Công ty tài chính Fecredit để truy cập vào hệ thống công ty này nhằm kiểm tra trạng thái hồ sơ khách hàng đã từng vay tại ngân hàng.

Lực lượng trong Ban chuyên án trong một lần tham gia phá án.

Hành vi của các đối tượng còn tạo điều kiện cho các loại tội phạm khác hack tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của các đối tượng gây mất an toàn thông tin, an ninh mạng; xâm phạm nghiêm trọng đến thông tin cá nhân của người dân; gây mất ANTT trên địa bàn nhiều địa phương.

Chỉ vừa thành lập ngày 7-10-2020, Phòng ANM&PCTPSDCNC Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chủ công hoặc phối hợp các đơn vị xuất sắc phá nhiều chuyên án quy mô. Riêng chuyên án này, đơn vị đã một năm theo dõi, đấu tranh. Từ lãnh đạo là Thượng tá Mai Văn Toàn – Trưởng Phòng; các phó Trưởng Phòng: Trung tá Nguyễn Văn Tuấn và Đại úy Lưu Thanh Tùng đến từng các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đi cơ sở, trực tiếp phá án.

Các tổ công tác ngoài áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao, tinh vi, còn thường xuyên đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước trong điều kiện gian khó như dịch bệnh diễn biến phức tạp. Có những đối tượng liên quan đến ca nhiễm Covid-19 nhưng các trinh sát vẫn không nản lòng…

Qua vụ án, Công an khuyến cáo: Việc mua bán dữ liệu cá nhân tại Việt Nam diễn ra phổ biến, công khai. Đây là hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân, vì có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người và có thể dẫn đến tình trạng lừa đảo công nghệ cao và các hành vi phạm pháp khác.

Việc xử lý tội phạm mạng như trên thực tế chưa chặt chẽ do thiếu các quy định pháp luật, chủ yếu là xử phạt hành chính. Một số vụ đã được khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố được bị can. Phòng ANM&PCTPSDCNC Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phá chuyên án lớn và cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc khởi tố, bắt bị can.

Đối tượng Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1987; ngụ TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Nguyễn Thị Huyền Trang thực nghiệm lại hành vi.
Cơ quan CSĐT khám xét nơi làm việc của Lê Đất (SN 1988; ngụ Thừa Thiên Huế).

Bình luận (0)

Lên đầu trang