(CAO) Cục Hải quan TP.Hà Nội cho biết, gần 2,3 tấn lá Khat chứa chất ma túy trong các vụ việc do cơ quan này chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng thu giữ từ thời điểm năm 2016 đã được tổ chức tiêu hủy vào ngày 10/5.
Việc tiêu hủy được thực hiện tại Nhà máy Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.
Theo Cục Hải quan TP.Hà Nội, hàng tấn lá Khat nói trên là toàn bộ số tang vật thu giữ trong chuyên án E316-chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển lượng lớn khá Khat lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam, qua đường bưu chính quốc tế và đường hàng không để vận chuyển tiếp qua nước thứ ba.
Việc tiêu hủy được thực hiện đúng quy trình, quy định với sự giám sát của đại diện các cơ quan chức năng như: Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục Hải quan TP.Hà Nội, Sở Tài chính TP.Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội.
Lá Khát có chứa chất ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 6/7/2016, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) đã công bố chuyên án E316. Theo đó, ngày 15/4/2016, các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 36 kiện hàng, có trọng lượng khoảng 545kg được gửi từ Ethiopia vào Việt Nam.
Các kiện hàng này chứa một loại lá khô, nghi là "lá Khat" - một loại ma túy mới lần đầu tiên bị phát hiện và bắt giữ. Kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận loại lá này có thành phần Cathinone - một chất ma túy cực mạnh.
Liên tiếp các ngày sau đó, từ 15/4/2016 - 28/6/2016, Ban chuyên án rà soát, phát hiện các lô hàng được gửi đi Mỹ, Anh, Australia hoặc hàng hoàn nhập từ một số nước về Việt Nam chứa ma túy lá Khat. Các lô hàng này khi chuyển đi hoặc nhập về được khai báo là trà khô, thảo mộc sấy khô, chùm ngây… Ban chuyên án đã bắt giữ tổng số 199 kiện hàng chứa ma túy lá Khat với trọng lượng 2,5 tấn.
Ban chuyên án nhận định đây là một đường dây vận chuyển trái phép thảo mộc khô có chứa chất ma túy với diễn biến phức tạp, có tổ chức, quy mô lớn và phạm vi rộng trên toàn quốc. Lợi dụng Việt Nam là nước xuất khẩu chè, khi xuất nhập khẩu, các cá nhân và doanh nghiệp đều khai báo với hải quan là cây chùm ngây, thảo mộc sấy khô…
Đối tượng cầm đầu các đường dây này thường ở nước ngoài, người gửi và người nhận tại Việt Nam là những người được thuê. Thủ đoạn chung của đường dây vận chuyển loại ma túy này là nhập khẩu từ các nước Ethiopia, Kenya, Nam Phi tập kết về Việt Nam rồi sau đó tìm cách vận chuyển sang các nước khác qua đường hàng không, bưu chính quốc tế.