Không kiểm tra vì ra biển gặp sóng to, gió lớn (?)
Liên quan đến vụ Công ty TNHH Xây dựng Thương Mại Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) bị nộp thuế oan hơn 26 tỷ đồng cho diện tích chưa được bàn giao thực địa, chưa được sử dụng, Báo CATP liên tục phản ánh, ngày 28-12-2021, Tổng Cục BHĐ thành lập Đoàn kiểm tra thực địa, tình hình sử dụng khu vực biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Đoàn do ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục BHĐ làm Trưởng đoàn; ông Đoàn Quang Sinh, Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, Tổng cục BHĐ làm Phó trưởng đoàn; ông Phạm Lý Bôn, Thanh tra viên chính, Phòng Thanh tra TNMT miền Nam, Thanh tra Bộ TNMT làm Phó trưởng đoàn cùng 14 thành viên khác. Cùng ngày, đoàn làm việc với Công ty Công Lý.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cho biết, theo khoản 1, khoản 2 Điều 4 Quyết định số 2115/QĐ-BTNMT ngày 14-9-2016 quy định, Công ty Công Lý có trách nhiệm "Nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định", "Trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải báo cáo Bộ TNMT kiểm tra thực địa tại khu vực biển được sử dụng".Mở đầu cuộc họp, ông Vũ Trường Sơn, Trưởng đoàn thông báo do thời tiết diễn biến phức tạp, sóng to, gió lớn nên đoàn không thể đi ra biển kiểm tra thực địa tại khu vực biển đã giao cho công ty. Trong những ngày tới, khi điều kiện thời tiết cho phép đi biển đoàn sẽ tiến hành kiểm tra trên biển.
Ông Dân không giấu bức xúc: "Hiện nay, Công ty đã nộp tiền sử dụng khu vực biển nhưng chưa khai thác và sử dụng khu vực biển mà đã phải nộp tiền sử dụng khu vực biển, việc nộp tiền sử dụng khu vực biển này chỉ căn cứ vào Quyết định số 2115/QĐ- BTNMT. Trong khu vực biển được giao, có hàng trăm hàng đáy, có xác nhận của chính quyền địa phương. Huyện khẳng định các hộ đã có hàng đáy này từ lâu; các hàng đáy vẫn còn đó thì công ty thi công bằng cách nào?".
Ông Dân còn cho biết thêm, văn bản số 321/TTg-CN ngày 09-3-2018, Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió khu vực Khai Long Cà Mau giai đoạn 1. Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1. Công ty chỉ đóng vai trò cổ đông, nhưng lại bị buộc phải nộp toàn bộ số tiền sử dụng khu vực biển.
Công ty Công Lý xây dựng cầu ra biển thực hiện dự án nhưng chưa được bàn giao thực địa
Cũng thời gian trên, từ khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ông Dân buồn rầu: "Thời gian dài, công ty đã nỗ lực hoàn thiện các thủ tục nhưng các cơ quan chức năng đã xử lý và giải quyết trong thời hạn 1 năm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến việc thu tiền sử dụng khu vực biển, dùng biện pháp cưỡng chế, đóng tài khoản đang hoạt động của công ty, gây áp lực rất lớn về tài chính, trong khi Chính phủ đã có chủ trương thay đổi, điều chỉnh đầu tư dự án. Vấn đề mà công ty quan tâm là khi sử dụng khu vực biển thì phải có biên bản bàn giao thực địa. Biên bản bàn giao thực địa phải có chứng kiến của chính quyền địa phương".
Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương và công ty?
Trái với sự chờ đợi của Công ty Công Lý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau và chính quyền địa phương không kiểm tra thực địa, không tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục BHĐ nói: "Trước hết, đoàn chia sẻ với những khó khăn của công ty. Những vấn đề mà công ty có văn bản gửi Bộ TNMT đều đã được xem xét, xử lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển khi chuyển đổi nhà đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, thời điểm trước 30-3-2021 chưa có quy định của pháp luật về miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Trước khi giao khu vực biển, văn bản của UBND tỉnh đã khẳng định là không có tổ chức, cá nhân sử dụng khu vực biển sẽ được giao cho Công ty Công Lý. Nếu hàng đáy mà có sau năm 2016 thì trách nhiệm chính là của Công ty Công Lý cùng chính quyền địa phương. Công ty có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền...; thu tiền sử dụng khu vực thuộc thẩm quyền của Cơ quan thuế. Nếu Công ty thấy xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể kiến nghị với cơ quan tài chính, bởi vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT".
Lãnh đạo Tổng cục BHĐ xác nhận, công ty nhiều lần đề nghị xin trả lại một phần khu vực biển là phù hợp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đề nghị trả lại một phần khu vực biển được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. Từ khi công ty có đề nghị trả lại một phần diện tích khu vực biển đến nay, các đơn vị của Bộ TNMT chưa nhận được hồ sơ của Công ty Công Lý. Trước trả lời của đoàn, công ty và chính quyền địa phương cho rằng chưa thỏa đáng. Ông Đặng Minh Khởi, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển khẳng định, tại trong khu vực biển đã giao cho công ty đang có 6 hộ dân khai thác thủy sản. Công ty đã báo cáo chính quyền địa phương. Năm 2021, công ty làm việc với chính quyền địa phương.
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn kết luận, theo Quyết định số 2115/QĐ- BTNMT, công ty thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và Quyết định giao khu vực biển nên hoàn toàn được quyền sử dụng khu vực biển và thực hiện việc khai thác, sử dụng khu vực biển đã được giao theo đúng mục đích, phạm vi, tọa độ, ranh giới, diện tích, độ sâu khu vực biển theo Quyết định trên.
"Do vậy, công ty khẩn trương tiến hành sử dụng khu vực biển đã được giao để đưa dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau, giai đoạn 1 đi vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau", ông Sơn đề nghị. Ông Dân cho rằng, chưa kiểm tra thực địa, hàng đáy của ngư dân vẫn còn thì làm sao thực hiện dự án. Đoàn tiếp tục bàn giao trên giấy.
Như vậy, kiến nghị của Công ty Công Lý xem xét miễn giảm tiền thuế oan, bàn giao thực địa để tiến hành thực hiện dự án, thay đổi nhà đầu tư và giảm diện tích đã thuê từ 3 năm qua vẫn chưa được xem xét. Dù Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhiều lần kiến nghị nhưng sự việc vẫn không có diễn biến mới.
Chiều 29-12, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Ban đầu, khi nhận được thông tin đoàn công tác của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam kiểm tra thực địa, tình hình sử dụng khu vực biển..., chúng tôi có hy vọng với kiến nghị của Công ty Công Lý sẽ được xem xét. Nhưng thực ra Đoàn kiểm tra việc thực thi pháp luật trong việc sử dụng khu vực biển những dự án điện gió nên đoàn không bàn giao, kiểm tra thực địa. Một lần nữa, lãnh đạo tỉnh Cà Mau mong Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TNMT sớm có giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Công Lý để công ty sớm thực hiện dự án thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh".