Cà Mau:

Hàng trăm hộ dân làm nghề truyền thống có nguy cơ mất việc làm

Thứ Ba, 27/07/2021 11:40  | Đào Văn

|

(CATP) Do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) quyết định cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, trụ sở đặt tại P8, TP.Cà Mau) thuê 1.968,8ha mặt nước biển nhưng không được kiểm tra thực địa, không cắm ranh mốc nên hàng trăm người dân mưu sinh trên biển bị mất việc làm. Công ty nhiều lần đề nghị Bộ TNMT kiểm tra thực địa, cắm ranh mốc nhưng chưa được phản hồi.

Dân nghèo gặp khó

Ngày 25-7, trao đổi với chúng tôi, ông Lý Hoàng Tiến, Phó bí thư Thường trực huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết, ngày 14-6-2016, Bộ TNMT có quyết định cho Công ty Công Lý thuê 1.968,8ha mặt nước biển với giá 3 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 30 năm.

"Từ ngày ra quyết định cho thuê đến nay, Bộ TNMT chưa tiến hành kiểm tra thực địa, cắm ranh mốc. Thực ra, trong diện tích mặt biển mà bộ quyết định cho thuê, có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề truyền thống như: đáy hàng khơi, lưới rê... nuôi sống cả gia đình. Nay bộ không đo đạc, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng, địa phương giải quyết như thế nào", ông Tiến lo âu.

 Bộ TNMT quyết định cho thuê khu vực biển có nhiều hàng đáy của người dân

Theo lãnh đạo huyện Ngọc Hiển, nhận được tin Bộ TNMT cho thuê mặt nước biển, nơi từ lâu gia đình người dân mưu sinh, các hộ dân không giấu bức xúc. Anh Trương Văn Út Nhỏ (SN 1975, thường trú ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi) cho biết, anh có 45 miệng đáy ngay khu vực Bộ TNMT quyết định cho thuê. Năm 2000, anh và gia đình mưu sinh bằng nghề đáy hàng khơi. Tuy không khá giả nhưng gia đình anh có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, anh rất bất ngờ trước thông báo của chính quyền địa phương. "Nếu tháo dỡ hàng đáy, gia đình tôi không biết sinh sống bằng nghề gì”.

Hộ ông Lưu Văn Chờ (SN 1960, ngụ ấp Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi) có 27 miệng đáy thừa nhận, 7 miệng ăn trong gia đình nhờ nghề truyền thống đáy hàng khơi. "Bộ TNMT lấy khu vực mặt biển cho công ty thuê, gia đình tôi sẽ sống ra sao", ông Chờ lo âu. Báo cáo của UBND xã Đất Mũi, bước đầu xã xác định có 6 hộ dân làm nghề hàng đáy ngay khu dự án gần 200 miệng đáy. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân khác đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản.

Nhiều cơ quan chờ Bộ TN-MT trả lời

Huyện Ngọc Hiển gặp khó, UBND tỉnh Cà Mau khó khăn hơn. Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, Dự án (DA) Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long giai đoạn 1 là một trong những DA trọng điểm của tỉnh. Ngày 14-1-2016, DA được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và được xây dựng trên diện tích đất liền và mặt biển trên thềm lục địa là 2.165ha; công suất 100MW; tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Đến nay, công ty xây dựng trụ sở làm việc, Trạm biến áp 110KV với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đường giao thông đấu nối vào Ban quản lý dự án với số tiền 46 tỷ đồng.

Dự án không biết đến bao giờ được triển khai

Ngoài ra, công ty thực hiện các dự án chống sạt lở bằng nguồn vốn tự có, với số tiền 70 tỷ đồng để giữ lại lượng đất cát bồi tụ thời gian dài và phòng ngừa xói mòn, bảo vệ đất đai rừng phòng hộ... nhưng triển khai không được. "DA không được triển khai ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư của tỉnh. Tỉnh nhận thấy yêu cầu của Công ty Công Lý chính đáng và đề nghị Bộ TNMT xem xét lại chính sách ưu đãi, việc thu thuế bất hợp lý nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Tỉnh yêu cầu bộ tiến hành kiểm tra thực địa, cắm ranh mốc cho chủ đầu tư thực hiện DA nhưng chưa nhận được sự hợp tác", một cán bộ UBND tỉnh Cà Mau cho biết.

Trong khi đó, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cho biết, do nóng lòng để thực hiện DA, công ty tiến hành thi công đóng cọc thử tại một số vị trí móng trụ turbine nhưng không thực hiện được.

"Nguyên nhân là tại vị trí ngoài thực địa còn nhiều hộ dân lấn chiếm, không cho thi công. Ngoài ra, còn có một số hàng đáy của các hộ dân đang đánh bắt nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến việc thi công của dự án. DA không được thực hiện, công ty thiệt hại nhiều kinh tế. Nhân công, thiết bị thi công như sà lan, cọc cẩu neo đậu nhưng không thể thực hiện được...", ông Dân chia sẻ.

Trước khó khăn trên, Công ty Công Lý có văn bản gởi UBND tỉnh Cà Mau. Vừa qua, tỉnh chỉ đạo UBND huyện Ngọc Hiển kiểm tra, rà soát các nội dung kiến nghị của Công ty Công Lý về việc di dời các hộ dân lấn chiếm khu vực biển đã giao cho dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 của công ty này. Thế nhưng theo lãnh đạo huyện Ngọc Hiển, việc di dời người dân rất khó.

"Bộ TNMT ra quyết định cho thuê nhưng không kiểm tra thực địa, không đo đạc, không cắm ranh, không làm việc với chính quyền địa phương nên giải quyết chính sách đối với người dân bị ảnh hưởng rất khó. Nhiều hộ hơn 20 năm gắn với nghề thủy sản ngay khu vực mà bộ cho thuê”, ông Lý Hoàng Tiến cho biết.

Về yêu cầu xem xét lại tiền "thuế oan" hơn 26 tỷ đồng, chính sách ưu đãi đầu tư DA trên và Bộ TNMT cấp lại Quyết định cho thuê khu vực biển cho chủ đầu tư mới theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ TNMT vẫn chưa có phản hồi. Hiện ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản gởi Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà xem xét giải quyết "chỉ thu tiền diện tích mặt nước biển mà Công ty Công Lý sử dụng. Bộ trưởng Bộ TNMT chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với công ty để thực hiện theo đúng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 321 ngày 3-9-2018 và kiểm tra thực địa để công ty triển khai DA".

Bình luận (0)

Lên đầu trang