(CATP) Liên quan đến thỏa thuận về phương án thu hồi đất dân đổi lại đất nền, UBND huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) thừa nhận sai sót. Bất ngờ mới đây, 2 hộ dân còn nhận được thông báo gia hạn thời gian thu hồi đất để thực hiện dự án, trong khi dự án này đã xây dựng xong. Việc làm bất nhất và không thực hiện theo cam kết ban đầu đã khiến người dân vô cùng bức xúc, mong được giải quyết thỏa đáng.
Huyện thừa nhận sai sót
Trong báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, ông Nguyễn Thanh Lâm (Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú) thừa nhận trước đây do sai sót trong việc cập nhật các quy định hiện hành nên các cơ quan chuyên môn của huyện đã tham mưu UBND huyện đưa ra phương án thu hồi đất của 2 hộ dân (Kiến Thị Hạnh và Nguyễn Hồng Tấn) đổi lại đất nền là không phù hợp với các quy định tại thời điểm đó. Vì vậy, việc giao nền theo thỏa thuận trước đây (đất đổi nền) là không thể thực hiện được. Hiện UBND huyện đang nghiên cứu các phương án trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương để giải quyết 2 trường hợp nói trên và hoàn thiện dự án theo quy định.
Theo biên bản thỏa thuận của UBND huyện Châu Phú, giữa huyện và hộ bà Hạnh thống nhất đổi 1.052,3m2 đất để lấy 3 nền nhà. Ngoài ra, đối với phần đất tiếp giáp con đường số 3 về hướng Tây, huyện bố trí phân lô 12 nền. Bà Hạnh thống nhất giao khu đất này cho Ban QLDA huyện để san lấp phân lô làm KDC và giao lại cho bà Hạnh 6 nền nhà. Đến ngày 16/7/2018, UBND huyện Châu Phú tổ chức buổi làm việc với ông Huỳnh Huy Hà (con bà Hạnh) về việc trao đổi giải quyết vấn đề liên quan đến quy hoạch KDC mở rộng chợ Vịnh Tre (TT.Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) và một số nền của ông Hà. Thành phần tham dự có ông Nguyễn Phước Nên, Phó chủ tịch UBND huyện (nay là Chủ tịch HĐND, Phó bí thư Huyện ủy Châu Phú), ông Nguyễn Phước Lăng (Giám đốc Ban QLDA ĐTXDKV huyện)...
Ông Huỳnh Huy Hà chỉ khu đất UBND huyện Châu Phú thỏa thuận theo hình thức đất đổi nền, nhưng nay không thực hiện
Qua trao đổi, thành phần tham dự thống nhất đổi 286,5m2 đất thổ cư đổi 2 nền, 785,8m2 đất ao đổi 1 nền. Đổi đất làm đường đi thì thống nhất đổi 1.914m2 đất ao để lấy 6 nền làm đường số 07". Riêng đối với dự án KDC TTTM Vịnh Tre mở rộng thì 3.183,7m2 còn lại của bà Hạnh, ông Hà thống nhất đổi để huyện làm ao xử lý nước thải, đổi lại sẽ lấy 5 nền nhà. Như vậy, trước sau gia đình bà Hạnh thống nhất giao khu đất 6.150m2 để lấy 11 nền nhà tại dự án nêu trên. Đến ngày 07/8/2018, cuộc họp vẫn do 2 ông Nên và Lăng chủ trì. Tại cuộc họp này, biên bản bổ sung thêm nội dung: "Giao lại cho ông Hà đủ 11 nền, khoảng 80m2/nền (ngang 5m, dài 16m)".
Theo gia đình bà Hạnh, năm 2018, đường đi vào ao xử lý nước thải Ban QLDA ĐTXDKV huyện đã làm xong, nhưng đơn vị này lại không giao 11 nền nhà theo thỏa thuận ban đầu. Không chỉ "bẻ kèo" trường hợp gia đình bà Hạnh, UBND và Ban QLDA ĐTXDKV huyện Châu Phú còn "bẻ kèo" trường hợp của ông Nguyễn Hồng Tấn. Theo thỏa thuận trước đó, gia đình ông này sẽ giao 2.587m2 để đổi lấy 7 nền nhà và hơn 31 triệu đồng. Như vậy, việc chủ đầu tư thỏa thuận với 2 hộ dân lấy đất để đổi 18 nền trong dự án, sau đó không thực hiện đã nhận sai sót nhưng quyền lợi người dân có được bảo đảm?
Xây dựng xong mới thu hồi đất
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm (Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú) ký thông báo số 34 gửi cho các hộ dân về việc gia hạn thời gian thông báo số 14 ngày 09/5/2022 của UBND huyện về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng KDC TTTM Vịnh Tre. Theo đó, diện tích dự kiến thu hồi khoảng 8.683m2, gồm 450m2 đất ở và hơn 8.200m2 đất trồng lúa. Lý do thu hồi là rất cần thiết để xây dựng, cải tạo mặt bằng, bố trí lại đất ở mới phù hợp với điều kiện kinh tế người dân...
Nói về thông báo trên, ông Nguyễn Phước Lăng (Giám đốc Ban QLDA ĐTXDKV huyện Châu Phú) cho biết: "Do quy trình, hồ sơ làm chậm nên kéo dài quá 12 tháng, vì vậy phải ra thông báo gia hạn. Việc thu hồi đất trước đây là do giai đoạn 1 chưa ra quyết thu hồi. Trường hợp bà Hạnh, ông Tấn cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt giá bồi thường. Đối với việc thỏa thuận đất đổi nền huyện có sai sót, đã báo cáo gửi UBND tỉnh để xin hướng xử lý”.
Theo hồ sơ, diện tích đất cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần thu hồi là của hộ bà Hạnh và ông Tấn. Đây là 2 trường hợp theo thỏa thuận sẽ được đổi nền nhưng bị huyện "bẻ kèo". Theo bảng chi tiết chi phí, hộ bà Hạnh được bồi thường đất, vật kiến trúc khoảng 3,7 tỷ đồng, còn hộ ông Tấn khoảng 1,6 tỷ đồng. Ông Hà cho biết: "Mức bồi thường trên nếu dùng để tham gia đấu giá chỉ mua được 2 - 3 cái nền. Tôi không thống nhất với cách giải quyết này, bởi sao phải đấu giá trên mảnh đất của chính gia đình mình".
Nói về việc UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo huyện sớm kết thúc dự án vì đã quá thời hạn theo quy định nhưng giờ lại tiến hành thu hồi đất, ông Nguyễn Phước Lăng lý giải: "Việc thu hồi đất để kết thúc dự án và không liên quan gì đến việc đấu giá. Việc xây dựng đến nay đã tiến hành xong".
Như thông tin trước đó, theo văn bản của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh An Giang vào tháng 12/2022, theo quy định của Luật đất đai (khoản 2, khoản 3, Điều 55 Luật Đất đai), pháp luật nhà ở (khoản 1, Điều 21 Luật nhà ở) thì chỉ có tổ chức kinh tế mới đủ điều kiện làm chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại, cơ quan hành chính Nhà nước (UBND cấp huyện, Ban QLDA ĐTXD) chỉ được giao đất để thực hiện các dự án phục vụ tái định cư theo khoản 4, Điều 54 Luật Đất đai.
Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục thông tin khi có kết luận của cơ quan chức năng.