TPHCM: Tạo điều kiện để người bị thu hồi đất bảo đảm chỗ ở, ổn định đời sống

Thứ Ba, 28/03/2023 17:55  | Lê Ngân

|

(CATP) Ngày 28-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TPHCM và góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đến dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến.

Bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương cho rằng, khi TP thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án thì phải chuẩn bị đủ quỹ nhà ở, đất ở tái định cư. Thực tế tại các dự án trên địa bàn TP, do nhu cầu của người bị thu hồi đất đề nghị được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc nhu cầu cấp bách phải bàn giao mặt bằng để thi công dự án nhưng chưa chuẩn bị được quỹ nhà, đất tái định cư. Do vậy, để hỗ trợ, tạo điều kiện để người bị thu hồi đất bảo đảm về chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất, UBNDTP đã ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND của UBNDTP áp dụng chính sách về hỗ trợ chi phí thuê nhà tạm cư nêu trên nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ về đối tượng, thời gian tính hỗ trợ, mức hỗ trợ phù hợp theo từng khu vực và có sự phối hợp các sở, ngành, quận, huyện để triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, công khai, minh bạch.

Các đại biểu cho rằng để xây dựng lại nhà mới ngoài phần diện tích đất đã thu hồi thì hộ gia đình, cá nhân phải được UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp phép xây dựng. Cần điều chỉnh, bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức phải xem xét và hoàn thành việc cấp phép xây dựng lại nhà mới cho người dân cùng lúc với ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân. Đồng thời, bổ sung quy định về thời gian giải quyết hỗ trợ chi phí tạm cư trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa thể tiến hành xây dựng lại nhà ở mới. Trong khi đó, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chưa giải quyết cấp phép xây dựng lại nhà mới nhưng vẫn yêu cầu các trường hợp này phải tháo dỡ cấu trúc công trình, bàn giao đất đã thu hồi.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến phát biểu kết luận

Góp ý về phương thức chi trả chi phí tạm cư, các đại biểu cho rằng cáctrường hợp chưa xác định được cụ thể thời gian bàn giao căn hộ chung cư hoặc nền đất tái định cư thường là dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư tại vị trí thu hồi đất; dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất hoặc đang thực hiện các hạng mục đầu tư xây dựng công trình nhưng có khó khăn, vướng mắc nên chưa thể xác định chính xác thời điểm hoàn thành khu tái định cư để bàn giao căn hộ chung cư hoặc nền đất tái định cư cho người dân có tiêu chuẩn tái định cư. Thời gian chờ bố trí tái định cư phải từ 12 tháng trở lên. Vì vậy, không nên chi trả theo định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng, cần chi trả theo định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng.

Đối với chi phí hỗ trợ được tính vào chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, các đại biểu nêu lên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án có trách nhiệm lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng người có đất bị thu hồi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hội đồng phải trình để có sự phê duyệt của UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung, dự toán hỗ trợ chi phí tạm cư, Hội đồng mới có cơ sở thực hiện chi trả hỗ trợ chi phí tạm cư và thanh quyết toán khoản chi phí này. Cần bổ sung đối tượng đang chờ bố trí tái định cư. Vì đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết này không chỉ là người dân có đất bị thu hồi mà phải là đang chờ bố trí tái định cư.

Xem xét trách nhiệm hình sự doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), các đại biểu cho rằng cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH. Cần cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Riêng chế tài đối với các hành vi vi phạm về BHXH, các đại biểu cho rằng thời gian qua, các doanh nghiệp có đóng BHXH nhưng không đóng đủ về số lượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, không đóng đủ mức tiền lương người lao động nhận được. Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động theo quy định. Các đại biểu cho rằng mặc dù doanh nghiệp vi phạm cũng đều gây thiệt hại lợi ích cho người lao động, họ bị mất đi một khoản giá trị vật chất, lẽ ra họ phải được hưởng đúng và đầy đủ sau một thời gian dài họ đóng góp và làm việc tại doanh nghiệp. Do đó, cần có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm, chẳng hạn như: truy thu, phạt vi phạm hành chính, lãi chậm nộp và bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH nhiều lần và kéo dài hoặc đã trích từ lương của người lao động nhưng không nộp, chiếm dụng, có thể xem xét đến trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Kết luận tại hội thảo, bà Trần Kim Yến trân trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu và sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực, kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có tổng hợp và sửa đổi phù hợp để khi các văn bản khi ban hành đạt được mục đích, yêu cầu đã đề ra, phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang