55 năm Theo dấu chân Người

Thứ Hai, 05/08/2024 06:57

|

(CATP) Sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống cách mạng ở Phú Yên, Giáo sư - Tiến sĩ, Đại tá An ninh nhân dân, nhà văn Trình Quang Phú đã có quá trình học tập, công tác ở miền Bắc và nhiều lần được gặp Bác Hồ. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại và cốt cách thanh cao, sâu sắc của Bác đã làm Trình Quang Phú kính phục, ngưỡng mộ nên từ năm 1969, ông ấp ủ kế hoạch tìm hiểu quá trình bôn ba qua nhiều quốc gia, châu lục suốt 30 năm để đi tìm đường đấu tranh giành độc lập cho đất nước, giải phóng dân tộc khỏi thân phận nô lệ của Người...

Tìm lại hành trình vĩ đại của một thiên tài

Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhà văn Trình Quang Phú đã xuất bản nhiều tác phẩm theo chủ đề trên, được tái bản nhiều lần như: Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước và Theo Bác Hồ đi kháng chiến (2 tác phẩm này đều tái bản 17 lần), còn tác phẩm Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (tái bản 22 lần)... và mới nhất là cuốn sách dày 570 trang - Theo dấu chân Người (NXB Hội Nhà văn tháng 6/2024).

Tác giả Trình Quang Phú viết trong phần mở đầu sách Theo dấu chân Người: ... "Sau khi tác phẩm Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (viết về tuổi thơ của Bác, về thời kỳ Bác rời Huế xuyên Việt và rời bến sông Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước...) in lần đầu ở NXB Văn học năm 1996, tôi mang sách đến tặng đồng chí Phạm Văn Đồng (nguyên Thủ tướng Chính phủ) mà tôi vẫn thường gọi một cách thân thương là "chú Tô”. Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tôi: "Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài...". Tôi đến Pháp, đến Anh, đến Hoa Kỳ, đến Liên Xô ngày trước và nước Nga ngày nay, đến Trung Quốc - Quảng Châu, Hồng Kông... Đi, sưu tập và ghi chép, rồi đối chiếu... Khó, phải dựa vào các nguồn để đối chiếu, so sánh, tìm ra cái có lý nhất để viết. Chuyến đi sau nhất của tôi là đến vùng Viễn Đông - Liên Xô, chuyến đi rất khó vì bị cấm vận phải bay nối chuyến, nhưng cuối cùng cũng đến được Khabarovsk, Vladivostok và thật sự thú vị là ở đó còn nguyên kỷ niệm về Bác. Có lẽ điều xúc động và thôi thúc tôi là cả thế giới, dù thể chế chính trị nào, họ cũng đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Bác...".

Trong sách, tác giả Trình Quang Phú đã thống kê trong 30 năm bôn ba xứ người tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đi từ Sài Gòn qua Pháp, từ đây theo tàu qua Châu Phi rồi đến Mỹ. Bác ở TP.Boston của Mỹ 8 tháng rồi theo tàu đi Nam Mỹ và trở về Pháp. Cuối năm 1913, Bác đến hải cảng Newhaven phía Nam nước Anh, sau đó tới Luân Đôn. Giữa năm 1917, từ nước Anh Bác trở lại Paris, năm 1923 từ Pháp đến cảng Petrograd - Liên Xô. Năm 1928, Bác rời Liên Xô qua Đức, Thụy Sĩ, Italia để về Thái Lan. Cuối năm 1929, Bác từ Thái Lan qua Hồng Kông để ngày 03/02/1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 06/6/1931, Bác bị cảnh sát Hồng Kông bắt. Tháng 01/1933 ra tù, Bác trốn khỏi Hồng Kông. Năm 1934, Bác lại sang Liên Xô. Năm 1938, Bác rời Liên Xô từ phía Nam Siberia vào Trung Quốc và đi xuyên dọc Trung Quốc về phía Nam. Ngày 28/01/1941, Bác về đến Pắc Bó, lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 02/9/1945)...

Suốt hành trình dài dặc, gian khổ đó, Bác vừa kiếm sống vừa hoạt động cách mạng. Bác là đầu bếp, thợ đốt lò, thợ làm bánh, làm vườn, thợ rửa ảnh, nhà báo (viết báo, viết văn, làm thơ bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều quốc gia)... Các tài liệu trong sách Theo dấu chân Người cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc từng là nghiên cứu sinh của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (Liên Xô) từ ngày 01/01/1937 đến năm 1938, với phiếu điểm thi học kỳ I đạt kết quả tất cả các môn học, có những môn đạt điểm xuất sắc. Trước đó, Bác từng được đồng chí Vasilieva - phụ trách Đông Dương của Quốc tế cộng sản đề nghị (vào tháng 7/1935) ở lại Liên Xô giảng dạy tại Trường Lao động Phương Đông cho các sinh viên Đông Dương từ 2 - 3 năm rồi hãy về chỉ đạo cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước. Đây là quá trình hun đúc nên kiến thức, trí tuệ, nhân cách của Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 24C/1865 của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1987).

Các nhà nghiên cứu viết về Nguyễn Ái Quốc

Ngày 18/02/1922, cụ Phan Chu Trinh (1872 - 1926) có thư gửi Nguyễn Ái Quốc, viết: "Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tượng bên nhà... cái sưu cao thuế nặng, cái tham quan lại nhũng, cái sĩ khí dân tình bị chém giết, bị bỏ tù, bị đày ải... Hồn Tổ quốc nặng trĩu trên vai, xót vì quốc dân đồng bào đang rên xiết bởi cường quyền áp chế... Bây giờ, thân tôi tựa cá chậu chim lồng... người già thì trí lẫn như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong mà hơi tàn cũng gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi anh cứ quanh quẩn bên này thì làm sao tài năng anh thi thố được. Bởi vậy tôi thành tâm khuyên anh, mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ đi để mà mưu đồ đại sự...". (Trong một tài liệu khác, cụ Phan Chu Trinh còn nói: "Độc lập dân tộc phải sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc!").

Còn đây là thư của cụ Phan Bội Châu (1867 - 1940) gửi Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) ngày 13/3/1925: "Gửi người cháu yêu của tôi (cụ Phan Bội Châu lớn hơn Nguyễn Ái Quốc 33 tuổi - PV)... Nhớ lại, khi trước tôi đến nhà cháu uống rượu, ngâm thơ thì anh em cháu mới hơn mười tuổi cả. Lúc bấy giờ, tôi cũng chẳng ngờ rằng rồi ra cháu giỏi đến thế này. Bây giờ mà tôi bì với cháu thì xấu hổ nhiều lắm. Tôi được của cháu hai phong thư, sự thương sự mừng đều có. Thương là thương cho mình tôi, mà mừng là mừng cho cả nước. Bây giờ gặp cháu thì thấy sau này có người kế khởi rồi. Đường tối mà thành ra sáng!... lấy lại nước nhà ắt là không khó, như thế thì sao mà không mừng được!...".

Giáo sư sử học Hoa Kỳ Joshephine Stenson thì nhận xét: "Tôi đã tự bỏ tiền túi ra để đi từ Mỹ sang Pháp và Liên Xô cũ - những nơi mà Hồ Chí Minh đã đặt chân tới đó, để tìm những di tích gốc về Hồ Chí Minh... Tôi xin dâng tặng những lời ca đẹp nhất về Hồ Chí Minh... Tôi ngưỡng mộ ông bằng đầu óc khoa học của tôi, đồng thời bằng cả trái tim của một người con gái hậu thế!... Mọi người khi đến New York đều đến chiêm ngưỡng tượng nữ thần Tự Do. Họ ghi lại cảm nghĩ bằng những lời ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do... Duy nhất Nguyễn Tất Thành chỉ nhìn dưới chân tượng và ghi: "Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh; còn dưới chân tượng nữ thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?...". Hồ Chí Minh là một người cộng sản vĩ đại, là một siêu nhân..." (trích bài tham luận Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn của thời đại bằng tiếng Anh tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội tháng 5/1990, SĐD trang 499 - 507)...

Qua cuốn sách Theo dấu chân Người, nhà văn Trình Quang Phú đã dày công nghiên cứu, sưu tầm thêm nhiều tài liệu, thông tin quý giá về những chặng đường hoạt động cách mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm đẹp thêm hình ảnh vị lãnh tụ được toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn kính. Bằng bút pháp truyện ký, tác giả dẫn dắt người đọc vào các câu chuyện về Bác thật sinh động mà nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ cảm thụ, dễ nhớ. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ cùng toàn thể đảng viên, nhân dân sống, học tập, lao động, chiến đấu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang