(CAO) Bản tin dự báo lúc 14h45 của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, chiều nay (21-7) vùng áp thấp trên khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, vào lúc 13 giờ chiều này, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8-9, biển động mạnh) từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,00N; phía Tây kinh tuyến 116,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng áp thấp trên khu vực Bắc
biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào chiều nay (21-7) - Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và còn có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông mạnh, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8.
Trong khi đó, sáng cùng ngày tại Hà Nội, để ứng phó với tình hình mực nước các hồ thuỷ điện vượt mức cho phép dung tích phòng lũ cho hạ du. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp khẩn về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Theo nhận định, mực nước các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã vượt mức cho phép dung tích phòng lũ cho hạ du 3-5 m. Hiện, hồ thủy điện Hòa Bình đang xả 2 cửa xả đáy, hồ Sơn La xả 1 cửa xả lũ. Qua hai ngày xả lũ, 2 hồ chứa xả lũ về hạ du gần 1 tỷ m3 nước, nếu tính tổng lượng nước vừa xả lũ và qua phát điện về hạ du hơn 1,6 tỷ m3 khối nước.
Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết: 6h sáng mai (22.7) thủy điện Hòa Bình sẽ mở thêm cửa thứ 3 xả lũ về hạ du.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT các địa phương vùng hạ du tăng cường thông tin đến người dân, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng người dân và các công trình ngoài bãi, ven sông, giao thông đường thủy; tổ chức các đoàn kiểm tra và ứng trực tại các điểm xung yếu sẵn sàng “xử lý giờ đầu” khi sự cố xảy ra.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong những ngày tới, lượng mưa khu vực Bắc Bộ vẫn chưa giảm, tiếp tục gia tăng mực nước. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không chủ quan trong ứng phó.
Các Bộ: NNPTNT, Công Thương, Công an phối hợp với các cơ quan chuyên ngành vận hành đảm bảo an toàn hồ đập, cùng phối hợp với địa phương trong triển khai các phương án bảo vệ cơ sở hạ tầng và tính mạng người dân vùng hạ du, vùng có nguy cơ cao về ngập úng.