Khơi thông nguồn lực đưa TPHCM phát triển xứng tầm:

Bài 4: Tiên phong và đổi mới

Thứ Năm, 01/06/2023 07:53

|

(CATP) Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang xem xét, thảo luận về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ, như đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết: "Trong quá trình phát triển, TPHCM luôn là địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách thí điểm. Xuất phát từ chính nhu cầu và đặc trưng riêng có của thành phố, trong giai đoạn từ đổi mới đến nay, nhiều mô hình thí điểm đã được thực hiện, khẳng định tính hiệu quả”.

Dấu ấn từ những chủ trương đột phá

Hẳn người dân cả nước vẫn nhớ như in, những công trình, chính sách đột phá, xây dựng và phát triển TPHCM xứng tầm là đầu tàu kinh tế của cả nước qua nhiều cấp lãnh đạo, thì dấu ấn còn đó thời kỳ đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt (sau này là Thủ tướng Chính phủ). TPHCM luôn tiên phong, thực hiện những bước đột phá mà người dân thành phố vẫn mãi khắc ghi cho đến nay xứng tấm là đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ những năm 1991, chủ trương thành lập khu chế xuất, chính TPHCM được Chính phủ chọn để thí điểm Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 ngày nay. Qua thời gian, việc thí điểm mang lại thành công và đã mở đường cho việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn cả nước, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện định chế này trong các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp...

Ngay cả việc tổ chức bộ máy Nhà nước, TPHCM cũng là 1 trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường trên diện rộng. Cải cách hành chính với cơ chế "một cửa" và sau này được bổ sung thành "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính khởi đầu từ sự tìm tòi sáng tạo của TPHCM đã được khẳng định là đúng, hiện đang được áp dụng chung cho các cơ quan hành chính Nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền trong cả nước. Hay trong lĩnh vực tư pháp, việc thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xã hội hóa thi hành án dân sự thông qua mô hình thừa phát lại đã góp phần tạo nên một bức tranh mới, một sức sống mới của đời sống pháp luật và tư pháp trong một nền kinh tế thị trường đang từng bước hoàn thiện và một Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình định hình.

Bên cạnh đó, phát huy khả năng và tính chủ động tích cực của mình, TPHCM cũng đã và đang tổ chức triển khai nhiều mô hình thí điểm theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ, như thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm, thí điểm lao động ngoài trại giam, thí điểm xử lý nợ xấu, thí điểm đấu giá biển số xe ôtô... Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển cho biết: "Việc thí điểm các mô hình trên địa bàn TPHCM cho thấy, tuy thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với quy mô và thời gian thực hiện đa dạng nhưng có điểm chung là đều xuất phát từ thực tiễn khách quan, được nghiên cứu thận trọng và quá trình tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đem lại hiệu quả thiết thực".

Kỳ họp Quốc hội lần này đang thảo luận về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Thành phố văn minh hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Theo đại biểu Quốc hội, xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của Đông Nam Á là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và được xác định không chỉ là nhiệm vụ của Đảng bộ, nhân dân TPHCM mà còn là trách nhiệm chung của cả nước. Năm 2017, sơ kết 5 năm thực hiện về phương hướng, phát triển thành phố đến năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận, trong đó yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhanh, bền vững hơn. Thực hiện chủ trương này, Nghị quyết 54 của Quốc hội được ban hành, cho phép TPHCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực gồm: Quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách Nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.

TPHCM mạnh dạn đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng đã thể hiện tinh thần "dám nghĩ, dám làm" và điều này được thể hiện khá rõ nét qua từng chính sách cụ thể. Và nếu được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, Nghị quyết mới cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên của TPHCM nói riêng trong việc mạnh dạn thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc về cơ chế, thủ tục, cũng như mô hình mới, cách làm hiệu quả theo đúng tinh thần khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Đảng đã đề ra.

Đánh giá thực hiện Nghị quyết cho thấy, các chính sách thí điểm, cơ chế đặc thù đối với TPHCM đã góp phần vào sự phát triển của TPHCM trong những năm gần đây. Một số nội dung sau khi được triển khai đã được luật hóa để áp dụng cho cả nước, một số tiếp tục được nhân rộng thí điểm ở tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ chế, chính sách có hiệu quả chưa cao, một số chính sách chưa đủ mạnh, có sức nặng để tạo đà tăng trưởng, sức bật cho TPHCM. Một số chính sách còn vướng mắc với các quy định khác của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, sáp nhập 3 quận để thành lập TP.Thủ Đức nhưng lại thiếu các chính sách đặc thù, đặc biệt dẫn đến mục tiêu tạo ra không gian, động lực phát triển mới chưa đạt được như kỳ vọng. Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp về "ban hành chính sách, pháp luật vượt trội đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới", Nghị quyết được coi là đòn bẩy chính sách mà TPHCM phải nắm bắt và tận dụng có hiệu quả.

Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thiù phát triển TPHCM có 12 điều quy định 44 chính sách cụ thể thuộc 7 nhóm lĩnh vực lớn, như Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của thành phố; Tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Trong các chính sách, có một số chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54, một số chính sách đã được Quốc hội quyết định cho áp dụng thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố. Một số chính sách đã có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số chính sách mới, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, đồng thời tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để TPHCM phát triển, có tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TPHCM mà còn cho cả vùng, cả nước.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển phát biểu

Khơi thông tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của TPHCM

Mục tiêu của các chính sách một mặt nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo, khai thác triệt để, có hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của TPHCM, mặt khác cũng phù hợp và đồng bộ với mục tiêu của các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm tinh thần "Thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố", là "hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng". Đồng thời, nội dung các chính sách là khá toàn diện, có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vậy một trong những nhiệm vụ đột phá quan trọng nhất của Nghị quyết lần này là phải tháo được các "điểm nghẽn", khai thông vướng mắc về thể chế, chính sách để TPHCM phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế sẵn có của mình.

Đại biểu Quốc hội cũng nhận định rằng, trên cơ sở làm rõ những thách thức mà TPHCM đang đối mặt thời gian qua, dự thảo Nghị quyết cũng đã tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần có sự đột phá. Do là chính sách thí điểm của Quốc hội, các quy định trong nghị quyết ngoài yêu cầu phải phù hợp với Hiến pháp thì có thể là nội dung chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống pháp luật trong trạng thái động, để bảo đảm quy định của Nghị quyết không bị vô hiệu hóa bởi các quy định của các luật được ban hành sau, trong dự thảo Nghị quyết cần đặc biệt lưu ý quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, theo đó trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì ưu tiên áp dụng quy định của Nghị quyết, ngoại trừ trường hợp việc áp dụng các quy định đó là có ưu đãi, thuận lợi hơn, việc áp dụng hoặc không áp dụng trong trường hợp này do chính quyền TPHCM quyết định. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần quan tâm là phải chủ động chuẩn bị văn bản quy định chi tiết thi hành ở cấp Chính phủ, các Bộ nhằm bảo đảm đồng bộ, nhất là những nội dung phân cấp, phân quyền cho TPHCM và các quận, TP.Thủ Đức nhưng còn thiếu quy định về trình tự, thủ tục thực hiện.

(Còn tiếp...)

Bài 3: Kỳ vọng có thêm nhiều cơ chế đặc thù, đột phá để TPHCM thực sự phát triển
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang