Cần nới chiếc áo đã quá chật
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, TPHCM có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước, đóng góp 27% ngân sách và 17 - 18% GDP. Mấy năm gần đây giảm dần và có dấu hiệu chững lại. Cơ chế do Nghị quyết 54 đã tháo gỡ cho TP một số vấn đề nhưng chính sách còn chậm, chưa đi vào cuộc sống. Thời gian tới, TPHCM phải là đầu tàu kinh tế, theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII còn là trung tâm tài chính quốc tế. Do đó, phải tạo điều kiện cho TP có cơ chế theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá, xứng đáng giúp TP phát triển mạnh hơn.
Theo đó, cần tập trung 3 vấn đề. Thứ nhất, các cơ chế chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho TPHCM. Hiện nhu cầu của TP rất lớn, nhu cầu về đường dắt đô thị rất lớn nhưng chưa làm được, quá tải hạ tầng y tế, xã hội, ách tắc giao thông. "TPHCM đang mặc áo chật quá, cần nới ra để TP phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mô tả. Quan điểm thống nhất đây là cơ chế thí điểm có thời hạn, khác với quy định hiện hành, vượt ra khỏi quy định, phải kế thừa hiệu quả Nghị quyết 54, có chính sách bổ sung và có chính sách mới, và thậm chí cả những chính sách chưa có. Thứ 2 là phân cấp phân quyền tạo chủ động cho TP và ba là thực hiện một số thủ tục rút gọn. 44 chính sách của NQ tập trung vào 3 vấn đề như vậy.
Đại biểu Hoàng Văn Cường
"Những chính sách đầu đã có ở Nghị quyết 54 thì làm ngay được, riêng về 27 chính sách mới ở nhóm cuối cùng cần làm kỹ hơn. Vậy nên chúng tôi sẽ nghe thêm ý kiến, lần này nghiên cứu thận trọng để tạo đột phá cho TPHCM bằng cơ chế đủ mạnh; đừng để sau 5 năm đánh giá lại không giải quyết được gì thì giảm ý nghĩa của NQ, làm sao cho TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm hơn với giá trị mới, sứ mệnh mới" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ và cho biết, sau thời gian thử nghiệm sẽ có tổng kết đánh giá, trong thời gian thực hiện phải có kiểm tra giám sát. Cái nào đúng thì luật hóa, nhân rộng áp dụng chung cho cả các địa phương khác chứ không chỉ riêng TPHCM.
Đồng tình với dự thảo NQ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng TPHCM trước đến nay vẫn được biết đến là một đô thị năng động, sáng tạo, vì vậy cơ chế đặc thù cho TP cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý riêng để TPHCM phát huy được điểm mạnh này. Song ông Cường cũng rất băn khoăn với câu chuyện Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói một năm TP có hơn 500 văn bản xin ý kiến. "Điều này thể hiện TP không còn một chút nào là năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm", ông nói, đồng thời cho rằng NQ mới cần tạo ra môi trường để TPHCM lấy lại được tinh thần.
Theo ông Cường, ở NQ cũ về cơ chế đặc thù cho TPHCM, thậm chí còn chưa được bằng các địa phương khác. Dự thảo lần này đã giữ một số cơ chế trong Nghị quyết 54 và bổ sung các cơ chế mới. Đối với một số nhóm chính sách đã dự thảo trong luật, gần như đã chín rồi, nếu không đưa vào NQ này thì khi thông qua luật cũng thực hiện trên cả nước. Còn 27 cơ chế chính sách vượt trội, mới, đại biểu Cường cho rằng "thật ra cũng chưa thấy vượt trội lắm", các cơ chế chính sách này nằm trong những nội dung đã từng thực hiện. Theo ông, khi thông qua NQ này, TPHCM sẽ là nơi thử nghiệm các chính sách mới, đúc kết để giúp các địa phương khác trên cả nước.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy
Chung quan điểm, ĐB Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đánh giá, TPHCM là địa bàn đóng góp GDP đến hơn 20% cho cả nước mà tốc độ phát triển cứ giảm dần đều thế này thì chúng ta cần có cơ chế để TP phát triển. Hà Nội và TPHCM phải là 2 đầu tàu kinh tế cả nước, nên cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp. Nội dung NQ có nhiều quy định quá chi tiết, không cần thiết, gây bó buộc, khó thực hiện. "Tôi kỳ vọng nhiều hơn những nội dung trong NQ để TPHCM thực sự phát triển đột phá, tuy nhiên nếu Chính phủ chỉ trình thế này thôi thì tôi cũng nhất trí” - đại biểu bày tỏ.
Nên giao quyền nhiều hơn cho chính quyền TP
Góp ý các vấn đề cụ thể, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, về tổ chức bộ máy của TP, trong NQ có đề nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm, chúng ta có thể mạnh dạn để cho chính quyền TP tự thành lập các sở chuyên ngành thuộc thẩm quyền của mình chứ không riêng Sở An toàn thực phẩm. Cũng nên để TP tự quyết định tổng biên chế chung, số người làm việc trong các cơ quan thuộc quyền quản lý thì tính chủ động mới được tăng cao chứ không nên chỉ bó hẹp trong biên chế cấp xã, và quy định như trong NQ thì chả khác gì như trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. "Về cơ chế đặc thù, đô thị đặc biệt cho TP.Thủ Đức, tôi thấy cái đặc thù cũng chưa rõ nét, nổi trội, đặc biệt là thẩm quyền của UBND TP, phải quy định rõ UBND TP.Thủ Đức được quyền quyết gì, trình gì” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét.
Nói về thực hiện các dự án BT bằng tiền, ĐB Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình và cho biết rất mong TPHCM sớm thực hiện được việc này. Theo ông Cường, các dự án trước đây BT thanh toán bằng đất, không ngang giá, dẫn đến chuyện vật đổi vật và là nguyên nhân của tiêu cực. Còn dự án BT trả bằng tiền sẽ là cơ chế hoàn toàn đúng với điều kiện phát triển hiện nay, nếu làm tốt, ta sẽ tiến dần đến cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các nhà đầu tư, thu hút họ vào các công trình công, dự án công, thậm chí tạo ra được nhiều ngành nghề mà xã hội hướng đến. Lấy ví dụ tại Hàn Quốc, ông nói Tập đoàn Hyundai trở nên hùng mạnh như vậy chính là nhờ cơ chế BT bằng tiền của Chính phủ và thời kỳ kinh tế Hàn Quốc đang khủng hoảng. "Đây sẽ là cơ chế rất tốt giúp ta triển khai đầu tư công nhanh hơn, không khó khăn như hiện nay", ĐB Cường cũng kiến nghị cơ chế này không chỉ dừng lại ở TPHCM mà có thể áp dụng trên cả nước.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn
Còn các ĐB Bùi Hoài Sơn, Tạ Đình Thi (Hà Nội) lại góp ý cụ thể vào lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ. Lấy ví dụ lĩnh vực giáo dục, trước chúng ta không có mô hình trường liên cấp, nhưng hiện nay cần phải có quy hoạch về đất cho trường liên cấp, hay như hạn chế trường chỉ được xây 3 tầng, chúng ta phải sửa để phù hợp thực tế ở những khu đông dân cư thì xây cao hơn mới đủ trường, đủ lớp. Hay về văn hóa, Luật điện ảnh khuyến khích việc làm phim với người nước ngoài nhưng các luật khác lại gây cản trở đối với TPHCM cũng như cả nước. "Tôi nhận được kiến nghị, hệ thống hợp đồng dành cho nhà đầu tư điện ảnh nước ngoài có thủ tục rất rườm rà, nhiêu khê, có tuổi đời dài hơn cả tuổi phim, phim làm xong chiếu xong rời rạp vẫn chưa xong thủ tục, khiến phát triển điện ảnh TP rất khó khăn" - ĐB Sơn cho biết.
Ông góp ý vào điều 7 về các ngành nghề ưu tiên, thêm danh mục các ngành văn hóa sáng tạo tại TPHCM vì theo chủ trương, TPHCM sẽ thành trung tâm văn hóa sáng tạo cả nước nhưng nếu không có cơ chế đặc thù thì không phát triển được. ĐB cũng góp ý cụ thể vào điều 4 mục 5, theo đó, ông đánh giá cao TP đã đưa thể thao - văn hóa vào danh mục đầu tư công, nhưng theo dự thảo NQ thì loại bỏ di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh ra khỏi danh mục đối tác công tư thì không thể gần với thị trường, không năng động do không có sự đóng góp của tư nhân.
ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) góp ý cơ chế chính sách về tài chính quy định tại điều 5 của dự thảo NQ. Cụ thể, điều này quy định 11 nhóm chính sách, trong đó có 3 nhóm chính sách kế thừa nguyên vẹn Nghị quyết 54, 2 chính sách có kế thừa Nghị quyết 54 nhưng bổ sung thêm 1 chính sách có nội dung tương tự như quy định của các địa phương khác và 5 nhóm chính sách mới. Đối với nội dung cho phép TP được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 120% cần làm rõ hơn. Bởi trước đây trong Nghị quyết 54 đang giao cho TP vay không quá 90%. Nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện dù có những yếu tố khách quan như 2 năm dịch Covid-19, song để thực hiện cơ chế, chính sách này, TP mới thực hiện được 31,9%. Vậy nếu như bây giờ tăng lên 120%, liệu có thực hiện được không và kế hoạch trả nợ như thế nào. ĐB đề nghị cần làm rõ hơn nội dung này.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: sẽ trình một nghị quyết riêng về trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM
Thảo luận tại tổ chiều 30/5 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết: "TP và các bộ ngành chuẩn bị ròng rã cả năm mới có được sản phẩm này trình Quốc hội".
Lý giải vì sao dự thảo nhận được nhiều ý kiến tán thành, ông Phan Văn Mãi cho rằng: "Vì hệ thống cơ chế, chính sách này giúp cho TP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đây phát huy được tiềm năng của TP, từ đó TP phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển chung".
Đề cập đến các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, các cơ chế chính sách tập trung vào việc khơi thông các nguồn lực xã hội. "Nếu làm tốt, tôi tin rằng TPHCM trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển" - ông Mãi tin tưởng.
Liên quan đến việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, nội dung đang được "gác" lại, ông Phan Văn Mãi cho hay, TPHCM đã mời chuyên gia nước ngoài cùng Đại học Fulbright, các cơ quan trong nước xây dựng đề án xong, trình Thủ tướng.
(Còn tiếp...)
(CATP) Đảng đoàn Quốc hội đã hai lần chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM (tháng 12/2022 và tháng 5/2023); Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp (ngày 12/5/2023) kết luận tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trên cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.