(CATP) Năm 1968, thắng lợi của quân dân ta trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chịu ngồi đàm phán với ta. Đây là thuận lợi rất quan trọng tạo ra cục diện mới, một thời kỳ mới cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại.
Cống hiến quý báu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là ngay từ khi mới ra đời đã thực thi chính sách đối ngoại hòa bình trung lập, nhờ đó đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, hình thành trên thực tế một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có, đoàn kết với Việt Nam.
"Mặt trận nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam" đã xuất hiện trên khắp năm châu. Từ Bắc Kinh đến Mát-xcơ-va, từ Bình Nhưỡng đến La Habana, từ Tokyo đến Paris, từ Ottawa đến Canberra. Từ hoạt động sôi nổi của Hội đồng hòa bình thế giới đã lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ đến hàng loạt các tổ chức quốc tế quan trọng khác như: Ủy ban đoàn kết các nước Á - Phi, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Hội Nhà báo Quốc tế, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Liên đoàn Phụ nữ quốc tế, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình... Từ "phong trào hiến máu vì Việt Nam" được tổ chức trong 16 nước đến "phong trào quyên góp tiền bạc ủng hộ Việt Nam" đã diễn ra trong nhiều nước ("phong trào 100 triệu yên" ở Nhật, "phong trào 100 triệu phrăng" của Pháp, "phong trào 1 triệu krôna" ở Thụy Điển...). Từ việc tổ chức tái hiện các "chiến khu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam" trên đất Thụy Điển đến việc xuất hiện những "đêm thức vì hòa bình Việt Nam" của Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, "đêm dạ hội chống Mỹ để ủng hộ Việt Nam" ở Ý, "đêm Việt Nam" ở Uruguay, "tháng chống Mỹ” ở Bỉ... Từ phong trào "xé cờ Mỹ” diễn ra trong 73 nước đến phong trào "đập phá các cơ quan đại diện của Mỹ” ở 83 nơi. Riêng trong năm 1965, lực lượng công nhân trong Công đoàn thủy thủ Úc đã bãi công không chịu dắt tàu chiến Mỹ vào các hải cảng của nước Úc; tại Nhật, 5 triệu công nhân thuộc 91 tổ chức Công đoàn cũng không chịu chuyên chở các loại vũ khí và khí tài quân sự của Mỹ sang Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Paris về Việt Nam Ảnh tư liệu
Từ chỗ làn sóng mít-tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ ào ạt dâng lên trong hàng trăm nước đến việc xảy ra sự kiện lịch sử không thể nào quên: Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, người bạn chí tình của nhân dân ta, là nguyên thủ quốc gia duy nhất đã xuống đường ngày 02/12/1968 dẫn đầu cuộc diễu hành đốt đuốc của nhân dân thành phố Stockholm để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Từ chỗ hàng chục thanh niên Mỹ và thanh niên một số nước tự thiêu và tự sát để chống Mỹ, đến việc thành lập 20 Ủy ban quốc tế và quốc gia với nhiều phiên họp diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển) và Copenhagen (Đan Mạch) để lên án và kết luận về tội ác diệt chủng của Mỹ ở Việt Nam...
Chúng ta còn thấy trên đất Mỹ biết bao hình ảnh "lương tâm của người Mỹ đã nổi giận" và "cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam diễn ra ngay trên đường phố nước Mỹ”. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cho đến nay chúng ta vẫn còn bồi hồi xúc động khi nhớ đến hình ảnh không thể nào quên của 500.000 người Mỹ đổ xuống đường tại thành phố New York để tham gia biểu tình tuần hành phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, ảnh Mục sư Luther King - nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng dẫn đầu 125.000 người Mỹ trong cuộc biểu tình để lên án tội ác gây chiến tranh của nhà cầm quyền Mỹ, ảnh anh Norman Morrison - người được tôn vinh là "ngọn đuốc của lương tri" đã bế đứa con gái bé bỏng của mình đến gần tòa nhà Bộ Quốc phòng Mỹ, anh ôm hôn con thắm thiết trước khi đặt xuống đất, rồi đổ xăng vào người châm lửa tự thiêu để biểu thị thái độ phẫn nộ tột độ đối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã trân trọng tôn vinh "các chiến sĩ hòa bình" Mỹ tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền Mỹ ở Việt Nam là "liệt sĩ”. Trong bài trả lời nhà báo Anh Phêlích Gơrin (ngày 18/11/1965), Bác Hồ đã viết: "Chúng tôi rất cảm động trước những tấm gương anh dũng hy sinh của bà cụ Henga Hécđơ và của các chiến sĩ hòa bình Norman Morrison, Rôgiơ Lapotơ và Xilin Giancaoxki. Tôi xin gửi đến gia đình các liệt sĩ tấm lòng thương yêu và cảm phục của tôi và của đồng bào Việt Nam chúng tôi".
Mùa xuân 1965, nhằm tranh thủ hơn nữa sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của mọi lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý lập một mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã ra tuyên bố: "Nhân dân miền Nam Việt Nam tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới và tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận mọi sự giúp đỡ, kể cả vũ khí và mọi dụng cụ chiến tranh khác của các bạn bè khắp năm châu". Đồng thời nhằm đáp lại thiện chí của phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh và để đáp lại mối thân tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý phản đối chính sách xâm lược Việt Nam của Mỹ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, trong hai năm 1965 và 1969, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã hai lần quyết định phóng thích tù binh Mỹ đã bị lực lượng vũ trang giải phóng bắt được.
Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 06/6/1969 tại Tây Ninh
Những hành động tích cực, chủ động và sáng tạo trên đây của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có sức tác động và lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta xúc động được biết đã có 28 nuớc trên thế giới tuyên bố sẵn sàng gửi quân tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ, nếu Việt Nam yêu cầu.
Nói đến tư tưởng năng động và sáng tạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên mặt trận ngoại giao còn cần phải được trân trọng nhắc tới sự kiện lịch sử không thể nào quên "5 năm đánh và đàm ở Paris", buộc Mỹ phải ký kết hiệp định rút hết quân về nước.
Khi ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, giữa ta và Mỹ có những chiến lược và mục tiêu hoàn toàn khác biệt nhau. Đối với ta, vấn đề cơ bản nhất là Mỹ phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, còn quân ta ở đâu vẫn ở đấy. Đối với Mỹ, vấn đề cơ bản nhất là rút hết quân Mỹ mà vẫn giữ được ngụy quyền, ngụy quân ngày càng mạnh lên ở miền Nam Việt Nam hòng chia cắt lâu dài nước ta. Thực hiện chính sách ngoại giao dựa trên thế mạnh, suốt thời gian họp Hội nghị Paris, Mỹ luôn luôn tìm cách tráo trở, lật lọng, tiếp tục tính toán các bước mới để leo thang chiến tranh. Do đó, cuộc đàm phán Việt - Mỹ hết sức gay go, căng thẳng, phức tạp.
Ở Paris, chúng ta luôn luôn quán triệt vận dụng phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Bác Hồ, luôn luôn hướng vào mục tiêu chiến lược là: Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh phá hoại miền Bắc và dính líu quân sự trên toàn Việt Nam. Trong cuộc đấu trí dai dẳng và quyết liệt này, chúng ta đã phát huy cao độ tác động của sách lược "đánh và đàm", chủ động tấn công ngoại giao tới cùng, làm thất bại mọi âm mưu và làm phá sản mọi con bài ngoại giao của Mỹ.
Là một thực thể chính trị đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao. Điều ấy chứng minh, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế.
(CATP) 64 năm trước đây, từ khi phong trào Đồng khởi bung ra lan rộng, làn sóng tổng tiến công và nổi dậy phát triển nhanh chóng, phá rã từng phần bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, tạo điều kiện để quân và dân ta làm chủ tại nhiều vùng nông thôn. Xuất phát trên cơ sở đó, chính quyền cách mạng xã, ấp được hình thành và đi vào hoạt động, chủ yếu là chính quyền nhân dân tự quản.
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam - cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ)