(CAO) Sáng 28-3, tại TP.HCM, Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học.
Việc thực hiện xây dựng sân bay Long Thành còn rất nhiều khó khăn. Trong tình hình chung của đất nước hiện nay, phải huy động tổng lực và có được sự đồng thuận cao từ Trung ương, địa phương và người dân.
Để tháo gỡ một phần vướng mắc, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án hiện đã có khung pháp lý chặt chẽ nhưng còn nhiều việc phải rốt ráo thực hiện như liên kết với đô thị xung quanh nhằm tạo ra sự tổng hòa kết nối dự án.
Để tiến hành nhanh dự án này, ông đưa ra giải pháp là có thể chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, hoán đổi từ đất để có thể quy đổi thành tiền, tạo nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Vì cách làm này, Nhật Bản và Hàn Quốc đã triển khai và thực sự hiệu quả.
Ở góc độ khác, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam lại đưa ra ý kiến chuyên môn. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, chưa có mô hình đầu tư cho sân bay Long Thành.
"Một dự án đầu tư chỉ thật sự bắt đầu, khi làm rõ được việc ai đầu tư? Họ xuống tiền với tư cách nào, thời gian xuống tiền? Xuống tiền với pháp nhân như thế nào? Họ xuống tiền bao nhiêu, và cho hạng mục đầu tư nào? Khi nào có đủ hành lang pháp lý cho dòng tiền chuyển dịch thì lúc đó dự án đầu tư mới thật sự bắt đầu” - ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Nam, việc triển khai dự án sân bay Long Thành dựa trên hệ thống pháp luật hiện hành cho kiểu đầu tư công. Trên thực tế, sân bay Long Thành lại là mô hình đầu tư công – tư và ngay từ đầu đã được Quốc hội đã xác định.
Việc huy động vốn cho dự án sân bay Long Thành cũng được mổ xẻ. Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, việc huy động vốn cho dự án không khó vì tính chất lợi nhuận sân bay tương đối ổn định, mức tăng trưởng trong lĩnh vực này còn rất cao.
Ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục hàng không Việt Nam cho rằng cần nhanh chóng xây dựng sân bay Long Thành bởi cũng như nhiều nước khác trên thế giới, việc quá tải sân bay đang diễn ra nhưng sân bay cũ không còn có dư địa để giải quyết. Ông cũng đưa ra nhiều dẫn chứng, việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải đã dẫn đến nhiều hãng hàng không rút tần suất bay như Nga, Etihad,...
Trước vấn đề cấp thiết này ông Đỗ Tất Bình – Phó TGĐ Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam nhấn mạnh cần xây dựng nhanh sân bay Long Thành vì ngoài việc đáp ứng vận tải thì giá thành xây dựng sân bay “cứ 5 năm tăng gấp đôi”. Ông dự kiến nếu lùi lại 5 năm (so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025) thì giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỷ USD thay vì 5,4 tỷ như dự tính hiện nay.
Để góp phần vào việc thúc đẩy nhanh các giải pháp cho dự án, ông Nguyễn Ngọc Hưng- Phó giám đốc Sở Tài nguyên- môi trường Đồng Nai cho biết chính quyền đang tập trung đào tạo nghề, sắp xếp lại địa giới hành chính và chuẩn bị cho việc tái định cư, di dời hơn 15.000 nhân khẩu, định giá bồi thường đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Nếu dự án này được sớm triển khai không những tiết giảm được ngân sách mà nói như ông Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai tại hội thảo: “Một công trình lớn như sân bay Long Thành sẽ mang lại triển vọng cho tỉnh Đồng Nai và đất nước, dù trước mắt có những khó khăn”.
Được biết, sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6-2015. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi hơn 5.000ha, ảnh hưởng đến hơn 47.000 hộ dân với chi phí giải phóng mặt bằng gần 23.000 tỷ. Bộ giao thông vận tải dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6-2020. Năm 2023 sân bay sẽ đưa vào khai thác. Hiện nay dự án đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng.