(CAO) Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, UBND quận Liên Chiểu đã có văn bản kiến nghị giải quyết liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô của Công ty CP Trung Thủy – Đà Nẵng.
Ngày 27-3, trao đổi với Báo Công an TPHCM, ông Đàm Quang Hưng – Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa vào ngày 23-3 khi kiểm tra thực tế, yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng rà soát, kiểm tra lại dự án để có phương án phù hợp, UBND quận đã phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương tháo dỡ rào chắn các lối đi, dừng các hoạt động ở dự án cho đến khi có giấy phép xây dựng”.
Bãi biển của làng
Nam Ô nằm trong vùng dự án.
Ông Hưng cho biết thêm, UBND quận thống nhất kiến nghị lãnh đạo thành phố điều chỉnh dự án theo Luật Biển và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy; quy hoạch mở 2 lối đi xuống di tích dinh Âm Hồn và miếu bà Liễu Hạnh; thu hồi dải đất 6.300m2 dọc đường Nguyễn Tất Thành ven biển để quy hoạch nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân....
Ông Hưng cho biết, nước mắm Nam Ô là đặc sản của miền biển, nức tiếng ở miền Trung và là nghề truyền thống của gần 100 hộ gia đình nên quận và nhà đầu tư đi đến thống nhất thực hiện hướng bảo tồn, phát triển, có quy hoạch cụ thể với sự hỗ trợ nhất định cho bà con.
Về các di tích, công trình văn hóa, UBND quận Liên Chiểu kiến nghị thành phố xem xét không di dời để tiến hành trùng tu, tôn tạo để đảm bảo nguyên vẹn, phục vụ tín ngưỡng, nhu cầu văn hóa của người dân địa phương, phát triển hệ thống du lịch tâm linh kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái…
Theo tìm hiểu của PV, hiện chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị để làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và nộp hồ sơ đến ngành chức năng để xem xét, giải quyết.
Về lý do dự án dù đã được quy hoạch gần 10 năm nhưng nay chủ đầu tư gần như “án binh bất động” và chưa được cấp phép xây dựng, ông Hưng trả lời: “Nguyên nhân là do nhiều lần thay đổi quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong khi kinh phí từ ngân sách có hạn. Công tác giải phóng mặt bằng (trị giá 120 tỷ đồng từ ngân sách) với 670 trường hợp gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Việc thực hiện di dời 513 hộ dân để bố trí vào các khu tái định cư diễn ra trong thời gian dài, từ năm 2010 đến năm 2017 mới hoàn thành”.
Ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra thực tế, yêu cầu rà soát, chỉ đạo điều chỉnh dự án.
Khu vực ghềnh Nam Ô.
Di tích Lăng Ông Nam Ô.