Bắt tay lịch sử, kiến tạo hòa bình

Thứ Năm, 28/02/2019 08:45  | Anh Duy

|

(CAO) Sau 8 tháng kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tổ chức tại Singapore (6-2018), hai nhà lãnh đạo có cá tính đặc biệt: Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã trao nhau cái bắt tay lịch sử lần nữa tại khách sạn Metropole (Hà Nội) vào lúc 18h30 ngày 27-2.

Cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo diễn ra ở nơi từng là “nhân chứng” cho những biến động của lịch sử. Khách sạn Metropole chứng kiến một Hà Nội từ thời Pháp đô hộ cho đến khi những đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô, rồi đến thời kháng chiến chống Mỹ. Cho đến sau này khi Mỹ - Việt bình thường hoá quan hệ (1995), Việt Nam cải tổ kinh tế với chính sách Đổi Mới đưa đất nước trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Những thăng trầm ấy tạo nên “bài học Việt Nam”, cụm từ mấy ngày nay truyền thông quốc tế nhấn mạnh trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đó cũng là điều mà Mỹ muốn Triều Tiên chứng kiến.

Các dòng tweet trên Twitter ông Trump viết trước khi gặp ông Kim tại Hà Nội nhấn mạnh: “Nếu không có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể phát triển bứt phá trở thành một trong những thế lực kinh tế hùng mạnh nhất thế giới”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã trao nhau cái bắt tay lịch sử lần nữa tại khách sạn Metropole. Ảnh: TTXVN

Trong dòng tweet đăng tải khi có mặt tại Hà Nội, ông Trump nói tiếp: “Việt Nam đang phát triển với tốc độ hiếm nơi nào trên thế giới bì kịp. Triều Tiên cũng có thể phát triển như thế, và rất nhanh chóng, nếu phi hạt nhân hóa”.

Đánh giá tầm quan trọng của thượng đỉnh Mỹ - Triều, Trump cho rằng: “Đây là một cơ hội to lớn, hầu như chưa từng có cơ hội nào khác như vậy trong lịch sử, dành cho người bạn của tôi Kim Jong Un. Chúng ta sẽ biết sớm thôi. Rất thú vị!".

Sự “thú vị” đó là gì vẫn đang chờ câu trả lời từ ngày làm việc chính (hôm nay, 28-2) của hội nghị thượng đỉnh. Trong buổi tối 27-2, hai nhà lãnh đạo chủ yếu gặp riêng nhau tại Hà Nội, sau đó dự bữa tiệc tối ở cấp phái đoàn, tức có sự tham gia của các quan chức, cố vấn của cả hai bên.

Nhưng trên bàn tiệc không có sự hiện diện của Cố vấn An ninh quốc gia “diều hâu” John Bolton, người từng đề xuất Triều Tiên đưa vật liệu hạt nhân sang cơ sở ở Mỹ để Washington “giải giáp” giúp giống như Lybia từng làm, đề nghị đã nhận phải sự giận dữ từ Bình Nhưỡng. Điều này thể hiện thái độ hoà hoãn của Trump muốn tạo bầu không khí thoải mái để ông đạt được những mục đích đề ra của mình.

Phát biểu từ khách sạn Metropole tối 27-2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết thượng đỉnh lần 2 với ông Trump được tiến hành nhờ “quyết định chính trị can đảm” của ông chủ Nhà Trắng. Đó không phải là một câu khen cho có mà là một quá trình chuẩn bị lâu dài, dẹp bỏ những nghi kỵ để đối thoại.

Như dòng tweet Trump viết từ Hà Nội: ‘Những người Dân chủ (Đảng dân chủ Mỹ - NV) đừng chỉ tôi phải làm gì với Triều Tiên. Sao họ không làm điều này (đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên) trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của Obama?”.

Ông Kim tối 27-2 cũng “hoà ý” cùng Trump phát biểu: “Thế giới bên ngoài đã hiểu lầm mối quan hệ Mỹ - Triều sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore”. Ông hy vọng thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ “mang lại kết quả được mọi người hoan nghênh”.

Ông Trump và ông Kim ăn tối tại Hà Nội ngày 27-2. Ảnh: AP

Phát biểu tại Metropole, ông Kim sau cái bắt tay với ông Trump đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đã vượt qua những trở ngại để có mặt, đến với nhau ngày hôm nay”. CNN dẫn lời ông Trump đáp lại: “Thật vinh dự khi gặp chủ tịch Kim, đó là vinh dự khi làm việc cùng nhau tại Việt Nam. Thật tuyệt khi chúng ta đã có hội nghị đầu tiên thành công ở Singapore. Mọi người mong muốn sẽ có những bước tiến nhanh hơn, nhưng tôi rất hài lòng với cách chúng ta đã làm”.

Ông Trump nói thêm: “Triều Tiên có một tiềm năng kinh tế to lớn. Tôi nghĩ rằng ông sẽ mang lại một tương lai tuyệt vời cho đất nước. Ông là một nhà lãnh đạo tuyệt vời".

Cả hai sau cuộc gặp riêng đã bước vào buổi ăn tối cấp phái đoàn. CNN dẫn lời Trump cho rằng: “Không có gì hơn bằng một buổi ăn tối thân mật”. Để có buổi ăn “thân mật” đó, viết trên Twitter từ Hà Nội vài giờ trước khi gặp ông Kim, tổng thống Trump cho biết ông Kim và ông sẽ cố gắng rất nhiều để làm việc cùng nhau, cho ra những tiến triển về phi hạt nhân hoá và sau đó giúp Triều Tiên trở thành một nền kinh tế hùng mạnh.

Ông Trump viết tiếp: “Tôi tin rằng Trung Quốc, Nga, Nhật và Hàn Quốc sẽ giúp ích rất nhiều trong tiến trình này”.

Như vậy ông Trump lấy “con bài” phát triển kinh tế để chỉ cho Bình Nhưỡng thấy rằng không có vũ khí hạt nhân, với vị thế địa lý và con người Bình Nhưỡng sẽ bứt phá mạnh mẽ.

Ông Trump, một người theo chủ nghĩa đơn phương từ khi lên cầm quyền, nay trong dòng tweet đã cho thấy một tư duy đa phương trong trường hợp Triều Tiên. Ông nhận thức rằng phải có sự giúp đỡ của nhiều nước như Nga, Trung, Hàn thì tiến trình phi hạt nhân mới diễn ra hiệu quả.

Ngày thượng đỉnh đầu tiên kết thúc trong một buổi ăn tối “thân mật”. Những gì là kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ được công bố trong hôm nay (28-2), ngày thứ 2 của thượng đỉnh. Các chuyên gia quốc tế nhận định đó có thể là một tuyên bố hoà bình về kết thúc chiến tranh Triều Tiên, làm tiền đề để tiến tới ký một hiệp định hoà bình chính thức.

Tờ South China Morning Post hôm 26-2 dẫn lời Robert Gallucci – Trưởng nhóm đàm phán phía sau hầu hết các thoả thuận phi hạt nhân hoá toàn diện từng được ký với Triều Tiên nhận định: “Hội nghị tại Hà Nội sẽ thành công nếu Bình Nhưỡng đồng ý phá huỷ một số cơ sở hạt nhân có sự hiện diện của các thanh sát viên trong quá trình đó và hai bên Mỹ - Triều đề ra được một kế hoạch rõ ràng cho những bước tiếp theo.

Chuyện tiếp theo có thể xảy ra là một hội nghị thượng đỉnh khác có thể diễn ra trong sáu tháng hoặc một năm. Đó phải là một quá trình có sự tham gia của các chuyên gia khi họ cố gắng tiến lên phía trước với tất cả những đề mục phải hoàn thành”.

Lãnh đạo Mỹ - Triều tươi cười khi gặp nhau
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang