Bí thư Thăng: Tập trung tháo gỡ những khó khăn về tài chính cho các văn nghệ sĩ

Thứ Hai, 13/06/2016 19:28

|

(CAO) Chiều ngày 13-6, trong buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo, cần tạo điều kiện tốt nhất để các văn nghệ sĩ tập trung tâm huyết vào việc sáng tác, không bị chi phối bởi các cơ chế, thủ tục tài chính nhiêu khê.

Bí thư Thăng: Báo Công an TP.HCM cần cải tiến để bắt kịp xu thế truyền thông

Nhiều vấn đề liên quan đến đời sống nghệ sĩ, nhà hát, bảo tàng được các nghệ sĩ đưa ra tại buổi làm việc, cụ thể như: vai trò văn học trong đời sống văn hóa của người dân còn mờ nhạt, thiếu các tác phẩm đỉnh cao mà nguyên nhân là việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ để thay thế chưa đáp ứng yêu cầu, điều này cũng xảy ra tương tự ở các lĩnh vực khác như sân khấu. Kinh phí hoạt động, kinh phí cho các giải thưởng còn thấp và phân bổ chưa hợp lý, đặc biệt là vấn đề quyết toán cho các tác phẩm luôn là sự lo lắng cho các văn nghệ sĩ.

Vai trò văn học đối với đời sống còn mờ nhạt

Phát biểu tại buổi làm việc, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho biết, Hội Nhà văn TP có đội ngũ khá phong phú với khoảng 400 hội viên, thế nhưng trong nhiều năm qua, vai trò văn học đối với đời sống còn mờ nhạt. Hội Nhà văn TP và các hội viên có phấn đấu nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng.

Bí thư Thăng làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM

Theo ông Tuấn, đối với lĩnh vực văn học có sự đặc thù riêng. Đỉnh cao văn học phụ thuộc rất nhiều vào tài năng. Thực tế, tài năng quyết định 80% cho một tác phẩm văn học. Do đó, việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học phải được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. “Nếu làm được điều này thì chúng ta mới hy vọng có sự khởi sắc trong việc có những tác phẩm văn học đáp ứng được yêu cầu thực tiễn” - nhà văn Trần Văn Tuấn cho biết.

Nhà văn đề nghị TP cần nâng mức giải thưởng văn học hàng năm cao hơn so với hiện nay. “Dù tiền không phải là tất cả nhưng ít ra cũng chứng tỏ được sự trân trọng đối với các sản phẩm văn học. Đây là điều chúng tôi rất cần, thông qua giải thưởng này để phát hiện tài năng”, ông Trần Văn Tuấn nói.

Cần xây dựng một số hãng phim mang thương hiệu TP.HCM

Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP nêu ra một thực tế khá buồn, TP.HCM được ví là trung tâm điện ảnh của Việt Nam mà không có bất kỳ hãng phim nào cho “ra hồn”.

Bà ví von, mỗi tác phẩm điện ảnh có thể đi vào tận giường ngũ của mỗi người – đó là những chiếc tivi, chứng tỏ sức lan tỏa của nó là rất lớn, vậy mà hiện nay quyền quyết định lại phần lớn nằm trong tay các nhà sản xuất, các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có cả người nước ngoài. Điều này cũng là nguyên nhân làm cho các tác phẩm lịch sử khó đến được với công chúng. “Tôi đề nghị TP cần có sự quy hoạch xây dựng 1-2 hãng phim mang thương hiệu TP.HCM, ví dụ như hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, hãng phim Giải Phóng chẳng hạn”, bà Dương Cẩm Thúy đề nghị.

Cũng theo bà Thúy, đội ngũ làm phim hiện nay thiếu, phần lớn đã lớn tuổi, TP cần hỗ trợ nhiều hơn cho các sáng tác trẻ. Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ làm văn học nghệ thuật nói chung bởi họ là vốn quý, không thể muốn là có liền được mà phải phát hiện, bồi dưỡng.

Về kinh phí cho các giải thưởng văn học nghệ thuật, bà Dương Cẩm Thúy cho rằng, định mức kinh phí giải thưởng cho mỗi Hội hiện nay được 50 triệu là quá thấp và không phù hợp với đặc thù của từng Hội, do đó bà đề nghị tăng kinh phí cho các giải thưởng để khuyến khích các hội viên tham gia sáng tạo.

TP.HCM phải dẫn đầu về văn hóa - thể thao

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, bày tỏ thực trạng thiếu nhà hát, rạp chiếu tại TP.HCM. Ông Giàu cho biết, sau năm 1975, TP có nhiều công trình văn hoá nhưng càng về sau càng bị thu hẹp, nhiều nơi đã chuyển công năng. “Rạp Trần Hưng Đạo cho thấy sai về xây dựng. Nhưng thực tế, diện tích đó không thể xây một rạp hát hiện đại được. 40 năm qua, TP chỉ có nhà hát Hoà Bình ở quận 10 và Bến Thành ở quận 1”, ông Giàu nói.

Nghệ sĩ cũng bày lỏ to lắng về tình trạng mất định hướng, thiên về giải trí, xem nhẹ thẩm mỹ giáo dục của một số sản phẩm văn hoá gần đây.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở văn hoá -Thể thao TP cho biết: “Nhiều người gắn bó với nghệ thuật thành phố, rũ áo trở thành nghệ sĩ tự do. Bởi vì, môi trường cho nghệ sĩ lột tả cảm xúc có nhiều hạn chế”.

Trước những vấn đề đặt ra, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan với sự chủ trì của Ban Cán sự Đảng UBND TP đến quý 3 năm nay phải xây dựng một chương trình tổng thể để lấy lại vị trí dẫn đầu của TP về văn hóa - thể thao. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo giải quyết ngay một số vấn đề như việc giao dự toán 5 năm một lần để các hội chủ động cân đối kinh phí.

Cho rằng mức kinh phí giải thưởng cho cả 9 hội thuộc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM như hiện nay là quá thấp (50 triệu đồng/năm/1 hội), Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải được nâng lên và chỉ đạo Sở Tài chính cần cải tiến hình thức quyết toán, tốt nhất là thay bằng khoán chi để làm sao nghệ sĩ chăm lo sáng tạo, không bị làm phiền bởi các thủ tục tài chính nhiêu khê, đồng thời lĩnh vực nào có thể xã hội hóa thì tiếp tục thực hiện, kể cả giải thưởng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang