Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Báo Công an TP.Hồ Chí Minh (15/6/1976 - 15/6/2016):

Chuyến quà cuối năm

Thứ Sáu, 10/06/2016 18:30

|

(CATP) Đã thành thông lệ, hàng năm vào độ trung tuần tháng 10 âm lịch, BBT Báo CATP đã phân công bài vở cho báo xuân. Cùng thời điểm, kế hoạch mang quà Tết đến với bà con nghèo cũng được triển khai khắp các ban trong tòa soạn. Việc ai nấy làm, không khí tất bật, khẩn trương nóng dần theo từng ngày, cao điểm nhất là sau Tết dương lịch.

Anh em Ban Quản trị hành chính đóng gói quà chuẩn bị xuất kho, tổ lái xe cắm trại 100% chờ lệnh; đội ngũ phóng viên vừa xuống địa bàn săn tin vừa phải chẻ thời gian đi vận động cho chương trình cùng bà con nghèo ăn Tết.

Tôi nhớ lần đầu mang quà Tết đến với bà con cách nay hơn 20 năm. Lúc bấy giờ, anh Huỳnh Bá Thành - Phó tổng biên tập Báo CATP - tập hợp các trưởng nhóm dặn dò: “Các cậu phải làm tốt nhiệm vụ, không xong thì đừng trở về tòa soạn ăn Tết”. Ở Hà Nội có anh Phạm Chí Thiện, Trưởng văn phòng đại diện báo phụ trách phía Bắc. Hai nhóm đi miền Trung và Tây nguyên lần lượt xuất phát, hai nhóm miền Đông Nam bộ và miền Tây vì gần hơn, nên lên đường vào những ngày cận Tết.

Cầm những tờ báo xuân còn thơm mùi mực cùng những cánh thiệp chúc xuân, chúng tôi lần lượt đến Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, xa hơn là An Giang, Kiên Giang, hay đất mũi Cà Mau... Theo từng năm, số hộ gia đình thoát nghèo lại tăng lên trong sổ tay ghi chép của tôi. Nhiều con em các gia đình được tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương năm xưa, giờ đã ăn học thành tài và trở về phục vụ quê hương, có người trở thành cán bộ lãnh đạo ở địa phương. Anh Trần Thắng, cán bộ phòng công tác chính trị CA tỉnh 30 năm trước hiện là đại tá, Trưởng CA huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, kể cho tôi nghe tấm gương vượt khó của cô bé tên H.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tặng xuồng đồng bào vùng lũ

Gia đình H. sinh sống ở một huyện vùng xa của tỉnh Vĩnh Long. Năm H. vừa lên lớp 7, bố mẹ em đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Người thân duy nhất của H. là bà ngoại nay ốm mai đau, lại phải gồng mình nuôi thêm một đứa cháu. Biết H. có nguy cơ phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, anh Thắng liên hệ chính quyền địa phương đề xuất Báo CATP tặng học bổng giúp cô học sinh nghèo tiếp tục đến trường. Bằng nghị lực của mình, mười năm sau, cô học trò mồ côi đã là một cô giáo dạy văn ở một trường trung học. Đến lượt cô lại đóng góp vào quỹ khuyến học của địa phương để giúp đỡ những em học sinh gặp cảnh ngộ không may như mình ngày trước.

Nhân chuyện cô giáo H., tôi chợt nhớ đến anh Út Thảo - một Mạnh thường quân thường xuyên gắn bó với Báo CATP. Tôi thân anh qua những chuyến đi trao nhà tình nghĩa, tình thương, những buổi khánh thành cầu bê-tông thay cầu khỉ. Trong một lần cứu trợ ở miền Trung, tận mắt chứng kiến cảnh tang thương sau cơn bão lũ, anh Út Thảo quyết định bán chiếc ôtô của mình để có thêm tiền mua mì gói, chăn, màn phân phát tận tay bà con. Anh tâm sự: “Nhìn thấy cảnh khổ của bà con tôi xót xa không chịu nổi mà nhớ tới cái nghèo, đói của tôi năm xưa. Lúc đó tôi mới 20 tuổi, căn bệnh quái ác ập đến quật ngã tôi nằm liệt giường. Nhà nghèo, hai vợ chồng đi bán vé số kiếm tiền độ nhật, giờ mắc bệnh hiểm nghèo lấy tiền đâu thang thuốc?!”.

Trong lúc tuyệt vọng ấy, Út Thảo chỉ còn biết cầu trời ban phước lành. Như có phép màu, hai tuần sau anh khỏi bệnh thật sự, cơn đau nhức tê bại suốt nhiều tháng trời bỗng dưng biến mất, anh có thể xuống giường đi lại bình thường. Từ đó vợ chồng anh cật lực làm ăn, khấm khá lên trở thành đại lý, rồi tổng đại lý vé số cho Công ty xổ số kiến thiết một số tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Cuộc sống ổn định, vợ chồng liền thực hiện nguyện ước của mình suốt hơn 31 năm qua. Anh Út Thảo tâm niệm: được hưởng phúc lộc trời ban cho thì phải biết san sẻ chứ!

Chuyện của anh Út Thảo nghe hơi hướng tâm linh, song nghĩa cử của anh thật đáng quý, đáng trân trọng. Khi mà cuộc sống quanh ta vẫn còn nhiều số phận nghiệt ngã, còn những cảnh đời bất hạnh đáng thương thì xã hội cần lắm những tấm lòng như cô giáo H., như anh Út Thảo.

Công tác đền ơn đáp nghĩa chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình có công với Tổ quốc cùng chương trình xóa đói giảm nghèo mà các tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm thực hiện thường xuyên và lâu dài, là chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa thiêng liêng làm lay động lòng người và có sức lan tỏa rộng khắp. Cùng các Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, ngày càng có nhiều bà con xa xứ, các tổ chức thiện nguyện ở hải ngoại, các chị tiểu thương, các bác xe ôm... chắt chiu từng đồng cho việc nghĩa. Ở một góc độ khiêm tốn, Báo CATP - một trong những đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận - đã làm tròn trọng trách chuyển đến bà con nghèo những giá trị vật chất đong đầy ân tình ấy.

27 tháng Chạp, khi những phần quà đã vơi dần, chúng tôi tạm biệt anh Trần Thắng xuôi về Bến Tre, điểm đến cuối cùng của chuyến đi. Sau khi thăm và chúc Tết 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng, chúng tôi cùng anh Trần Tuấn Kha, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạch, đến ấp 5 để kịp tham dự buổi họp mặt hàng năm với bà con diện nghèo và cận nghèo. Đây cũng là dịp để các bậc lão niên cùng bà con tập trung tại đình làng thắp nhang tạ ơn các bậc tiên hiền qua một năm mưa thuận gió hòa.

Tác giả (Nguyên trưởng Ban thư ký Báo Công an TP.HCM) tặng quà cho bà con 

Buổi tiệc tất niên thật ấm cúng, mọi người hỏi han chuyện gia đình học hành của con cháu, chuyện mùa màng và những dự tính cho năm sau. Theo từng năm, sự thay da đổi thịt đã hiển hiện ở làng quê nhỏ bé này. Những con đường lầy lội mưa dầm, nắng bụi đã được thay bằng đường bê-tông khang trang, sạch đẹp. Phó chủ tịch Kha cho biết đã không còn cầu khỉ, cầu và đường bê-tông hình thành trên 10 ấp thuộc xã Tân Thạch. Càng phấn khởi hơn khi cứ sau một năm, danh sách hộ nghèo lại vơi đi một ít. Nếu như 10 năm trước toàn xã có 525 hộ nghèo thì nay chỉ còn 130 hộ.

Bến Tre hôm nay đã mang diện mạo mới, đường phố khang trang sạch đẹp hơn, đời sống người dân cũng sung túc hẳn lên. Nhất là sau khi cầu Rạch Miễu nối liền 2 bờ sông Tiền, giao thương càng thêm thuận lợi. Những khu công nghiệp mọc lên thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, vùng quê xứ dừa giờ tăng thêm sắc áo mới của hàng vạn công nhân.

Những nét chấm phá qua lời anh Kha làm chúng tôi vui lây. Mà đâu chỉ riêng anh, trong ánh mắt của đồng chí bí thư huyện ủy, của anh Ba Oanh, cựu chiến binh hay nhiều người dân nơi đây cũng ánh lên một niềm tin mãnh liệt về một Bến Tre Đồng Khởi trong thời kỳ đổi mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang