Có hàng trăm héc-ta “đất cấm” trong diện tích bảo vệ nghiêm ngặt của hồ bị lấn chiếm trái phép để trồng cây. Người vi phạm có cả cán bộ và thân nhân.
Hàng loạt cán bộ trong danh sách “đen” lấn chiếm đất
Hồ La Ngà (thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) được xây dựng 1960 và sử dụng từ 1964, năm 1975 có sữa chữa, nâng cấp và 2015 tiếp tục nâng cấp để đảm bảo cung cấp nước tưới cho cả vùng phía bắc Quảng Trị. Thực hiện dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới do Sở NN&PTNN Quảng Trị làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Thành An đang thi công các hạng mục.
Xung quanh hồ và ở các quả đồi trên lòng hồ là bạt ngàn cây keo, tràm,… do Lâm trường Bến Hải và các hộ dân làm chủ. Nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại đây.
Theo phóng viên tìm hiểu và được biết, nhiều cán bộ, người dân ngang nhiên xẻ thịt hàng trăm ha đất bảo vệ lòng hồ dưới cao trình đỉnh đập (từ 24,8m trở xuống lòng hồ) để trồng rừng kinh tế.
Tại “Danh sách các cá nhân, tập thể trồng cây trong khu vực lòng hồ La Ngà” do Xí nghiệp thủy nông Vĩnh Linh (thuộc Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, gọi tắt là Cty thủy lợi Quảng Trị - đơn vị quản lý, khai thác và sử dụng hồ La Ngà) và UBND xã Vĩnh Thủy xác lập thì có 293,8 ha đất trong phạm vi bảo vệ lòng hồ La Ngà đã bị các cá nhân, tập thể trồng rừng (Lâm trường Bến Hải 150ha và 143,8 ha của 25 hộ dân).
Khu vực lòng hồ La Ngà bị Lâm trường Bến Hải và hàng chục hộ dân chiếm để trồng rừng kinh tế
Trong đó, gần nửa là cán bộ và người thân gồm: Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cùng con trai, bố của Trưởng Công an xã, vợ và em rể cán bộ địa chính xã Vĩnh Thủy, một số cán bộ thủy nông về hưu và các hộ dân ở các địa phương khác. Điều đáng nói, có 4 hộ đã được UBND huyện cấp sổ đỏ và 5 hộ khác được UBND huyện cấp một giấy xác nhận sở hữu đất.
Dù biết rõ việc lấn chiếm đất thuộc phạm vi bảo vệ lòng hồ dưới cao trình đỉnh đập không đúng quy định của Nhà nước, nhưng nhiều cán bộ và người dân vẫn xẻ thịt hàng trăm hécta đất ở hồ La Ngà. Chuyện xảy ra đã nhiều năm, gây khó khăn cho đơn vị quản lý, đơn thư cũng nhiều, người dân bức xúc nhưng chưa được xử lý.
Ông Phan Ngọc Nghĩa – Chủ tịch UND xã Vĩnh Thủy đổ lỗi cho đơn vị quản lý, khai thác: “Trách nhiệm chính ở đây là Cty thủy lợi Quảng Trị còn chính quyền địa phương khó quản lý tình trạng các hộ dân vào trồng rừng trên đất. Thực tế trước đây việc trồng rừng góp phần xóa đất trống đồi trọc, chống xói mòn, tạo nguồn thu từ rừng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó có một bộ phận cán bộ và người thân có rừng thì không tránh khỏi dư luận xôn xao. Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên để có phương án giải quyết”.
Ông Nguyễn Duy Thông – Tổng Giám đốc Cty thủy lợi Quảng Trị cho biết: “Việc cán bộ, người dân chiếm đất trồng cây trong phạm vi bảo vệ lòng hồ là vi phạm. Nhưng việc kiểm soát, xử lý rất khó, bởi lúc đó chưa cắm mốc ranh giới mà chỉ chiếu theo cao trình đỉnh đập. Đơn vị mình quản lý và khai thác phần mặt nước lòng hồ, còn xã, huyện quản lý đất đai quanh lòng hồ. Việc có quá nhiều đơn vị quản lý dẫn đến chồng chéo, khó giải quyết được các vi phạm đến lòng hồ”.
Cán bộ phải trả lại đất cho nhà nước
Ông Thông cho biết thêm, công ty đã nhiều lần báo cho chính quyền địa phương bằng văn bản về lấn chiếm đất, những việc làm sai phạm ở hồ La Ngà. Tháng 12-2014, Lâm trường Bến Hải thực hiện san ủi quy mô lớn trong lòng hồ để trồng cây khiến chính quyền, các cơ quan chức năng phải lập biên bản, yêu cầu không tái diễn.
Trước đó, tháng 12-2013, Xí nghiệp thủy nông Vĩnh Linh có báo cáo gửi UBND huyện về thực trạng đất trong lòng hồ La Ngà bị nhiều cá nhân lấn chiếm và những hộ dân này chưa đủ hồ sơ pháp lý để trồng rừng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn cấp đất cho cá nhân là tiếp tay cho việc vi phạm lòng hồ.
Việc cấp sổ đỏ là sai phạm bởi theo quy định tại Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các Nghị định của Chính phủ cũng như một số quyết định của Bộ NN&PTNT thì chỉ UBND tỉnh mới được quyền quyết định việc cấp phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ lòng hồ thủy lợi.
Theo quy định, bất cứ công trình hồ đập nào đều có hành lang bảo vệ nghiêm ngặt và được chính quyền, các cơ quan chức năng quản lý, thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng xâm phạm trái phép làm ảnh hưởng đến công trình.
Nhiều diện tích đất thuộc phạm vi bảo vệ hồ cũng được trồng cây, sử dụng sai mục đích
Ngoài ra, trước đây UBND huyện đã không phối hợp, lấy ý kiến của Cty thủy lợi Quảng Trị khi làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân. Hơn nữa theo quy định thì không được thực hiện một số hoạt động như xây dựng các công trình kiên cố lâu dài, chăn nuôi gây ô nhiễm,… Ông Thông đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý trong việc sai phạm do cấp sổ đỏ này.
Mặc dù chính quyền, các cơ quan chức năng đã nhận ra những sai sót, khuất tất trong việc để cho người dân lấn chiếm đất, trồng rừng và cấp sổ đỏ nhưng nhiều năm trôi qua, những sai phạm này vẫn chưa được giải quyết. Năm 2015 đến nay, Sở NN&PTNT Quảng Trị triển khai dự án cắm mốc chỉ giới bảo vệ lòng hồ thì bị các hộ dân có đất nói trên phản ứng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: "Đây là sai sót của quá khứ, câu chuyện kéo dài từ lâu. Nguyên nhân là do trước đây chưa được cắm mốc rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo cùng cơ quan chức năng chưa rà soát kỹ trước khi cấp đất. Quan điểm chúng tôi là ai sai người ấy chịu, và sai đâu sẽ sửa đó để trấn an dư luận, tránh bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ hồ La Ngà vì đây là công trình của quốc gia nên phải phục vụ cho nhân dân, còn phát triển kinh tế chỉ là thứ yếu. Vì thế, nếu có sai sót trong cấp đất là phải thu hồi, di dời. Cán bộ, nguyên cán bộ nào có đất ở đây phải trả lại cho nhà nước. Trường hợp người dân nào đã đầu tư công sức, tiền của để trồng rừng mà thấy phù hợp thì cũng nên xem xét để hỗ trợ".